ThienNhien.Net – Một số chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện, đặc biệt là than.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra chiều 3/1, ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN cho biết, năm 2016, doanh thu bán điện toàn tập đoàn ước đạt 264.680 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2015.
Về chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng, thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch là 7,7%, giảm 0,24% so với năm 2015. Các Tổng công ty điện lực đều đạt vượt kế hoạch giao, riêng tổn thất truyền tải là 2,39% do phải truyền tải cao từ miền Bắc và miền Trung vào Nam.
Năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện, tính chung toàn tập đoàn tăng 11% so với năm 2015 (đạt 1,737 triệu kWh/người), vượt kế hoạch gần 1%. Cả 9 tổng công ty đều đạt vượt các chỉ tiêu được giao về năng suất lao động.
Cũng theo đại diện EVN, lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện Công ty mẹ – EVN và 9 tổng công ty đạt lợi nhuận cao hơn kế hoạch.
Về kế hoạch năm 2017, ông Hoàng An cho biết, EVN gặp khó khăn thách thức như sản lượng điện sản xuất của EVN chỉ chiếm khoảng 43,5% do đó việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc phụ thuộc lớn vào các nhà máy điện ngoài EVN.
Vấn đề đảm bảo nhiên liệu cho phát điện, nhất là đảm bảo cấp khí cho các nhà máy điện khu vực Tây Nam Bộ sau khi nhà máy xử lý khí GPP Cà Mau đưa vào vận hành (từ tháng 4/2017).
Năm 2017 dự kiến sẽ phải huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 2,2 tỷ kWh sẽ là thách thức lớn đối với tình hình tài chính của Tập đoàn trong năm 2017.
Bên cạnh đó, một số yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được đưa vào cân đối giá điện hiện hành, biến động tỷ giá, giá than, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường rừng và từ tháng 12/2016, giá than tiếp tục tăng khoảng 7%.
“Một số chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện, đặc biệt là than. Riêng giá than cho điện tăng thêm 7% từ 24/12/2016 sẽ làm chi phí đội lên hơn 4.692 tỷ đồng”, ông An nói.
Cũng theo vị Tổng giám đốc EVN, việc thu xếp vốn đầu tư các dự án điện gặp nhiều khó khăn do Chính phủ hạn chế việc bảo lãnh vay vốn, Tập đoàn và các đơn vị đã vượt qua ngưỡng hạn chế vay theo quy định hiện hành.
Theo đó, kế hoạch 2017 EVN đặt ra, đối với điện sản xuất và mua 197,2 tỷ kWh tăng 11,4% so với năm 2016, đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn. Điện thương phẩm 177,59 tỷ kWh tăng 11,5% so với năm 2016.
Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn 7,6%. Năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện tăng 8-10% so với năm 2016, giảm 5-10% chi phí (không kể chi phí khấu hao cơ bản)
Trong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, EVN kiến nghị phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2017-2020, Quyết định tăng vốn điều lệ của EVN lên 205.000 tỷ đồng.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính cho phép EVN được hạch toán vào chi phí giá thành sản xuất của đơn vị phần lớn kinh phí để giải quyết các khoản trợ cấp ngoài trợ cấp mất việc làm và chế độ hỗ trợ theo số năm công tác của người lao động theo Nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế và có xét tới những đặc thù của ngành điện….