ThienNhien.Net – Phần vốn còn thiếu tại dự án mỏ sắt Thạch Khê là do các cổ đông như CTCP Khoáng sản và luyện kim Thăng Long, Tổng công ty thép Việt Nam – CTCP và Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco chưa góp đủ, hoặc không thực hiện nghĩa vụ góp vốn.
CTCP sắt Thạch Khê (TIC) đã đi vào hoạt động được 9 năm với mục đích thành lập là để đầu tư khai thác mỏ quặng sắt lớn nhất Đông Nam Á tại Thạch Khê (Hà Tĩnh).
Với chín cổ đông ban đầu và số vốn điều lệ đề ra là 2.400 tỷ đồng, TIC tưởng sẽ sớm đi vào hoạt động song từ đó đến nay, TIC còn lại năm cổ đông lớn, trong đó có TKV, TCT thép Việt Nam (Vinasteel), Bitexco…
Theo báo cáo mới đây của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam TKV, đến nay tổng giá trị đã góp là 1.809 tỷ đồng trong đó TKV đã góp đủ giá trị huy động là 1.076 tỷ đồng phần vốn góp còn thiếu do các cổ đông CTCP Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh – CTCP, Tổng công ty thép Việt Nam – CTCP và Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco chưa góp đủ hoặc không thực hiện nghĩa vụ góp vốn.
Mới đây, TKV đã báo cáo Bộ Công Thương về phương án góp tăng vốn điều lệ vào TIC để tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên động thái mới từ phía địa phương – Hà Tĩnh lại kiến tạm dừng dự án và cho biết, một khi chủ đầu tư TIC chưa đáp ứng, giải quyết được các tồn tại thì chưa chưa cho khởi động lại dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Trao đổi với BizLIVE về công tác huy động vốn, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, cổ đông có năng lực yếu kém dứt khoát không kéo dài thời gian, yêu cầu bán lại cho cổ đông khác.
“Về việc TKV góp vốn thêm hay không, Bộ Công Thương đang xem xét báo cáo thêm, TKV hiện hàng tồn kho nhiều, năng lực tài chính tương đối khó khăn nếu họ giải quyết được khó khăn sẽ xem xét”, ông Hoài cho hay.
Trước câu hỏi, phương án không có nhà đầu tư nào thay thế có được tính đến hay không, theo ông Hoài, hiện nhiều nhà đầu tư quan tâm chẳng hạn Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hoà Phát nhưng các doanh nghiệp này muốn chiếm phần chi phối mới làm, trong khi quan điểm của Bộ Công Thương là không để nhà đầu tư nào chiếm chi phối.
Ông Hoài cũng cho biết, việc tái cơ cấu cổ đông, cổ đông tư nhân, cổ đông nhà nước hiện đang là phương án dự trù, để tăng tính hiệu quả quản trị của doanh nghiệp, dự kiến sẽ không có cổ đông nào chiếm thị phần chi phối, muốn các cổ đông cân bằng nhau, hiệu quả quản trị của doanh nghiệp có thể tốt hơn.
Ngoài ra, vị lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng cũng thông tin thêm rằng, chỉ đạo tạm dừng triển khai dự án khai thác và chế biến quặng mỏ sắt Thạch Khê năm 2011 do 2 vấn đề thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông để huy động các cổ đông có năng lực, thẩm định lại thiết kế kỹ thuật. Hội đồng thẩm định Bộ Công Thương đã thành lập bên cạnh đó, thuê tư vấn Đức thẩm tra lại dự án.
Ông cũng cho biết, trước kiến nghị của Hà Tĩnh mới đây, Bộ Công Thương dự kiến vào làm việc tại Hà Tĩnh, giải trình rõ những vấn đề Hà Tĩnh đang băn khoăn, lo ngại khi nào có sự đồng thuận của địa phương về các vấn đề liên quan đặc biệt vấn đề an toàn môi trường.
Được biết, tháng 7/2015, sau khi Chính phủ có văn bản đốc thúc việc góp vốn, thay vì tiếp tục tìm nguồn tiền góp vào dự án để khỏi bị giảm tỷ lệ sở hữu ban đầu cổ đông của TIC lại tuyên bố sẽ không thực hiện góp vốn.
“Xét thực trạng của CTCP sắt Thạch Khê và khó khăn nội tại của Vinasteel, đồng thời cân nhắc những rủi ro tiềm ẩn, tiến độ và hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư khai thác mỏ quặng sắt, Vinasteel tạm thời chưa tiếp tục góp vốn”, văn bản của lãnh đạo Tổng công ty thép Việt Nam cho hay.