ThienNhien.Net – Trái Đất đã trải qua năm 2016 với nhiều biến động. Một số loài bị tuyệt chủng, một số loài mới được phát hiện. Một số khu rừng đã bị xóa sổ, nhưng cũng có những khu rừng lại được phục hồi. Dưới đây là 10 tin tốt đẹp cho công cuộc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong năm qua.
1. Nhiều loài động vật thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng
Đối với nhiều loài động vật, năm 2016 là một năm nhiều niềm vui. Các loài cáo ở đảo California là một ví dụ. Tháng 8 vừa qua, Cục Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ đã đề nghị loại bỏ ba loài cáo ở các đảo San Miguel, Santa Rosa và quần đảo Santa Cruz ra khỏi Danh sách các loài bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng của Liên bang. Theo Cục Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ, nhờ một kế hoạch phục hồi tích cực, các loài cáo này đã trở thành loài động vật có vú phục hồi nhanh nhất trong lịch sử.
Loài ếch chân vàng tại Sierra Nevada, California cũng có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng. Mặc dù trước đó loài này đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy số lượng loài ếch này đã tăng 7 lần so với 20 năm trước.
Những nỗ lực bảo tồn hiệu quả cũng giúp cải thiện quần thể các loài như gấu trúc lớn, linh dương Tây Tạng, chuột túi Onychogalea fraenata và chuột Leporillus conditor trong năm nay. Trong đó, loài gấu trúc lớn đã được chuyển từ danh mục Nguy cấp sang Sẽ nguy cấp theo phân loại các loài nguy cấp trong Sách Đỏ của IUCN, còn loài linh dương Tây Tạng được chuyển từ mức Nguy cấp sang Sắp bị đe dọa . Trong khi đó loài Antelope Tây Tạng được chuyển từ nguy cấp sang mức Sắp bị đe dọa.
Loài linh dương Saiga ở Kazakhstan cũng đang có những tín hiệu phục hồi tích cực. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy số lượng loài Saiga ở Kazakhstan – Ural, Betpak-Dala và Ustyurt đều đang tăng lên.
2. Năm của các khu bảo tồn biển
Trong năm 2016, các chính phủ đã quan tâm hơn tới vấn đề bảo vệ các đại dương bằng việc thiết lập các khu bảo tồn biển lớn.
Malaysia đã thành lập công viên hải dương lớn nhất – Tun Mustapha Park – ngoài khơi tỉnh Sabah ở Borneo, sau 13 năm đàm phán. Với diện tích gần 1 triệu ha, Công viên Tun Mustapha gồm hơn 50 hòn đảo lớn nhỏ trải rộng khắp các quận Kudat, Pitas và Kota Marudu.
Hồi tháng Chín, Tổng thống Hoa Kỳ Obama cũng đã tuyên bố thành lập Khu bảo tồn biển quốc gia Northeast Canyons và Seamounts. Nằm cách 130 hải lý ngoài khơi bờ biển New England đông bắc Hoa Kỳ, công viên biển này dự kiến bảo vệ 4.913 dặm vuông (khoảng 7.906.707km2 đại dương). Tháng trước, ông Obama đã công bố việc mở rộng khu bảo tồn biển Papahanaumokuakea thêm 442.781 dặm vuông (712.5869km2) để trở thành Khu bảo tồn biển lớn nhất ngoài khơi Hawaii.
Một bước tiến hiếm thấy khác là 24 quốc gia và Liên minh châu Âu đã nhất trí thành lập khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới ngoài khơi vùng Nam Cực. Các khu bảo tồn mới dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2017 và sẽ được lập ra để bảo vệ 1,55 triệu km2 biển quanh Nam Cực.
Mexico cũng tuyên bố thành lập khu bảo tồn biển lớn nhất nước này là Khu sinh quyển Mexico Caribbean với diện tích ước tính hơn 5,7 triệu ha.
3. Phát hiện cây cao nhất thế giới
Năm nay, một số kỷ lục về cây cao nhất thế giới đã bị phá vỡ. Đầu tiên là công bố phát hiện ra cây cao nhất thế giới ở vùng nhiệt đới – cây yellow meranti (Shorea faguetiana) – ở Sabah, Borneo, Malaysia. Cây khổng lồ này cao 89,5m, cao hơn so với cây giữ kỷ lục trước đó 1,2m, cũng là một cây yellow meranti ở Vườn Quốc gia Tawau Hills, Sabah.
Một vài tháng sau đó, Ông Gregory Asner, Viện Khoa học Carnegie, Đại học Stanford công bố tìm thấy không chỉ một mà cả 50 cây cao hơn so với cây yellow meranti đang giữ kỷ lục. Cây cao nhất hiện nay là cây Chi Chai (genus Shorea) với chiều cao 94,1m và có tán đường kính 40,3m. Các cây này được ông Asner phát hiện ở một khu vực tương đối yên tĩnh thuộc thung lũng Danum, Sabah.
Việc phát hiện rất nhiều cây cao ở thung lũng Danum nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn các khu rừng đất thấp nguyên sơ. Các cây có kích thước và tuổi tác lớn không thể tồn tại bên ngoài các khu rừng nguyên sinh vì vậy bảo vệ rừng nguyên sinh cũng chính là gián tiếp bảo vệ những loài cây khổng lồ độc đáo.
4. Hướng tới chấm dứt buôn bán ngà voi
Tại Hội nghị Bảo tồn Thế giới của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) diễn ra tại Hawaii năm nay, đại biểu các nước tham dự đã thông qua lệnh cấm tất cả các thị trường ngà voi trong nước. Lệnh cấm này không ràng buộc về mặt pháp lý nhưng cho thấy các nước đang thúc đẩy hoạt động chống buôn bán ngà voi bất hợp pháp. Đây thực sự là bước ngoặt lớn vì lần đầu tiên một cơ quan quốc tế lớn đã kêu gọi thành công tất cả các nước trên thế giới đóng cửa thị trường ngà voi.
Mỹ cũng đã có những hành động thực hiện cam kết chấm dứt thương mại ngà voi bằng một tuyên bố “cấm gần hoàn toàn” thương mại ngà voi. Trước đây, ngà voi có thể được giao dịch nếu được nhập khẩu trước năm 1978. Tuy nhiên, phiên bản mới của Đạo luật các loài nguy cấp của Hoa Kỳ đã lấp lỗ hổng này và hạn chế thương mại hợp pháp ngà voi bằng việc chỉ cho phép các đồ cổ hơn một thế kỷ hoặc các sản phẩm được sản xuất từ trước năm 1978 nhưng chứa ít hơn 200g ngà voi.
Hồng Kông cũng vừa công bố rằng kế hoạch ba bước nhằm chấm dứt buôn bán ngà voi trong thị trường nội địa từ năm 2021. Tất cả các giấy phép kinh doanh ngà voi tại Hồng Kông sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2021. Các thương gia nước này có 5 năm để thanh lý hàng hóa của họ.
5. Gia tăng các rào cản ngặn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã
Buôn bán bất hợp pháp đã hủy hoại các quần thể động vật hoang dã. Tại cuộc họp lần thứ 17 của Hội nghị Các bên tham gia Công ước CITES tại Johannesburg, Nam Phi năm nay, các chính phủ đã bỏ phiếu để hạn chế thương mại một số loài nguy cấp trong đó tất cả các loài gỗ hồng mộc (chi Dalbergia) và phát động một chiến dịch ngăn chặn buôn bán trái phép gỗ hồng mộc sử dụng làm đồ nội thất sang trọng ở Trung Quốc.
Các nước cũng đã bỏ phiếu cấm tất cả hoạt động thương mại quốc tế đối với loài vẹt xám châu Phi bằng việc đưa loài này vào Phụ lục I của Công ước CITES. Chỉ những cơ sở chăn nuôi đăng ký theo Công ước CITES mới được phép giao dịch loài này.
Tất cả 8 loài tê tê cũng sẽ được liệt kê vào Phụ lục I của Công ước CITES, sau nhiều năm nằm ở Phụ lục II. Tê tê, được tìm thấy ở châu Á và châu Phi, là loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới để lấy vẩy nghiền thành bột nhằm điều trị nhiều bệnh khác nhau, mặc dù vậy chưa có bằng chứng khoa học cho thấy công dụng chữa bệnh của vẩy tê tê.
Các chính phủ cũng liệt các loài khỉ Barbary vào Phụ lục I của Công ước CITES. Loài khỉ này được tìm thấy ở các khu rừng thuộc Algeria và Morocco, Bắc Phi và trên các khu vực núi đá Gibraltar, châu Âu. Khỉ Barbary chủ yếu bị săn bắt để trở thành vật nuôi làm cảnh ở châu Âu.
6. Thành tựu bảo tồn của cộng đồng
Cộng đồng địa phương chính là chìa khóa của hoạt động bảo tồn rừng và các loài động vật hoang dã. Năm nay có rất nhiều câu chuyện về thành tựu của cộng đồng trong việc bảo vệ thành công các khu rừng và các loài động vật quý hiếm. Đó là câu chuyện về chị Purnima Devi Barman và anh Arvind Mishra đã thay đổi nhận thức của một cộng đồng người Ấn với loài già đẫy xấu xí Greater Adjutant để họ bảo vệ thay vì ghét bỏ chúng.
Ngoài ra, nhiều nhóm cộng đồng bản địa đã được mua đất, sử dụng phương pháp bảo tồn và tập quán văn hóa truyền thống để quản lý các khu rừng xung quanh. Dẫn chứng như cộng đồng Wiwa ở Colombia đã được mua đất xung quanh Vườn quốc gia Sierra Nevada de Santa Marta Natural với sự hỗ trợ của The Nature và dần phục hồi các vùng đất này. Hay như câu chuyện khác về một người đàn ông Dayak Ngaju tên Januminro đã được mua và tái trồng rừng trên đất thoái hóa gần Palangkaraya, thủ phủ tỉnh Kalimantan, Indonesia. Hiện tại, ông Januminro đã giúp phục hồi 18 ha rừng nơi các loài đười ươi, gấu chó và nhiều loài nguy cấp khác sinh sống.
7. Thành lập Khu bảo tồn các loài khỉ đột quý hiếm
Loài linh trưởng lớn nhất thế giới – khỉ đột Grauer – cũng có lý do để vui mừng trong năm nay. Thống đốc tỉnh Nam Kivu của Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) đã chính thức phê duyệt ranh giới Khu bảo tồn Itombwe phía đông Cộng hòa Dân chủ Đông Congo, một trong những thành trì cuối cùng của những con khỉ đột. Khu vực này cũng là nơi sinh sống của hơn 750 loài động vật có xương sống và hơn 1.000 loài thực vật khác, trong đó có ít nhất 53 loài đang bị đe dọa trên toàn cầu.
Đây là tin tốt bởi vì số lượng cá thể loài khỉ đột Grauer đã giảm từ 17.000 cá thể năm 1995 xuống còn dưới 4.000 hiện tại, vì tình trạng bất ổn dân số kéo dài, săn bắn bất hợp pháp và mất môi trường sống do hoạt động khai mỏ.
8. Chính phủ Indonesia ra chính sách bảo vệ và khôi phục vùng đất than bùn
Năm ngoái, những đám cháy rừng ở Indonesia đã lan ra cả các nước láng giềng. Theo Ngân hàng Thế giới, các đám cháy đã gây tổn thất 16 tỷ USD. Năm nay, chính phủ Indonesia đã có những bước tiến hướng tới phục hồi và bảo vệ vùng đất than bùn của quốc gia này để ngăn chặn nạn cháy rừng.
Tháng Tư năm nay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng công bố việc ngừng cấp mới giấy phép trồng cây dầu cọ và khai thác mỏ. Sau thông báo này, Bộ Lâm nghiệp Indonesia đã từ chối tất cả các yêu cầu thành lập các đồn điền ở các khu rừng. 61 công ty dầu cọ đã bị từ chối đề xuất.
9. Tổng thống Obama cấm dầu khoan ở hầu hết các đại dương Bắc cực và Đại Tây Dương
Trong tháng cuối cùng của năm 2016, Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã ban hành lệnh cấm khoan dầu ở của Bắc Cực và Đại Tây Dương vô thời hạn. Áp dụng luật Lands Outer Continental Shelf, ông Obama ngăn chặn hoạt động khoan dầu ở các vùng biển Chuckchi và Beaufort, Bắc Cực, nơi có nhiều loài quý hiếm trong đó có loài cá voi đầu cong, cá voi vây, hải mã Thái Bình Dương và gấu Bắc cực. Ông cũng ra lệnh cấm khoan dầu ngoài khơi biển Đại Tây Dương trong đó có các hẻm núi san hô phong phú trải dài từ Massachusetts tới Virginia. Canada cũng công bố một lệnh cấm tương tự trên phần lãnh hải Bắc Cực của Canada, kế hoạch này sẽ được xem xét lại mỗi năm năm.
10. Nhiều loài mới được phát hiện trong năm 2016
Một số loài đã biến mất, nhưng cũng có nhiều loài mới được phát hiện cổ vũ cho công tác bảo tồn. Hình ảnh 20 loài mới tiêu biểu mới được phát hiện trong năm 2016: https://news.mongabay.com/2016/12/p…
Bích Ngọc (Theo Mongabay.com)