ThienNhien.Net – Voi con châu Phi ngày nay bẩm sinh đã không có ngà do “tiến hoá” thích nghi với việc cha mẹ chúng bị bọn săn trộm cưa ngà.
Loài vật lớn nhất trên mặt đất đang trở nên tuyệt chủng ở một số khu vực, trong khi ở những nơi khác, hầu hết voi con sinh ra đã không có ngà do mất bộ gien “mọc ngà” – kết quả của việc nhiều đời tổ tiên chúng bị bọn săn trộm cưa ngà. Đó là kết luận do các nhà nghiên cứu mới đưa ra, theo tờ Independent (Anh).
Số liệu thống kê cho thấy, dân số loài voi châu Phi đã giảm xuống còn khoảng 110.000 con so với 415.000 con vào năm 2006.
Các nhà nghiên cứu cho hay, ở một số khu vực của châu Phi, có tới 98% voi cái ngày nay không có ngà, so với tỉ lệ trung bình chỉ 2% – 6% voi sinh ra không ngà trước đây.
Khoảng 1/3 voi châu Phi đã bị sát hại bởi bọn săn trộm chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây do nhu cầu ngà voi ở châu Á, chủ yếu là tại Trung Quốc.
144.000 con voi đã bị giết từ năm 2007 đến 2014, dẫn đến tình trạng loài động vật này có nguy cơ tuyệt chủng ở một số vùng.
Tiến sĩ Joyce Poole, người đứng đầu Quỹ Elephant Voices (Tiếng nói của voi) đã theo đuổi nghiên cứu, quan sát về loài voi trong hơn 3 thập niên qua. Bà Poole cho tờ Times hay, bà nhận thấy mối liên hệ trực tiếp giữa nạn săn trộm voi lấy ngà với tỉ lệ voi cái sinh ra không ngà ngày càng cao trong những đàn voi châu Phi mà bà theo dõi.
Tại vườn quốc gia Gorongosa ở Mozambique, 90% số voi đã bị giết hại từ năm 1977 đến 1992, trong thời gian diễn ra cuộc nội chiến ở nước này. Tiến sĩ Poole cho biết, do bọn săn trộm nhằm mục tiêu vào những chú voi có ngà nên hiện nay gần một nửa số voi cái trên 35 tuổi đều không còn ngà. Những con voi này đã truyền lại bộ gien “không ngà” cho con cái của chúng, vì thế có tới 30% số voi cái sinh ra sau cuộc nội chiến Mozambique cũng không có ngà.
“Những con voi cái không ngà có xu hướng đẻ ra con cũng không ngà”, bà Poole cho biết.
Theo tờ Independent, một ví dụ liên quan rõ nét nhất là ở Vườn quốc gia Voi Addo của Nam Phi, tại đây 98% số voi cái không có ngà. Những tay săn trộm đã giết gần như toàn bộ số voi, chỉ còn lại 11 con vào thời điểm vườn quốc gia này được thành lập năm 1931.
Năm 2008, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, ngay cả với những con voi có ngà, thì ngà của chúng cũng nhỏ hơn nhiều so với tổ tiên của chúng một thế kỷ trước khi kích thước chỉ bằng gần một nửa.
Việc sinh ra không có ngà giúp những chú voi giảm được nguy cơ bị săn bắn, nhưng đó không phải là một sự “tiến hoá” lý tưởng. Ngà giúp loài voi đào xới để tìm kiếm thức ăn và nước, bẻ những cành cây hay dọn chướng ngại vật; ngà còn để tự vệ cũng như khoe vẻ cuốn hút khi voi chinh phục bạn tình – các nhà khoa học cho biết.