ThienNhien.Net – Mục tiêu XK tăng trưởng 10% của năm 2016 không hẳn là cao, song đã không đạt được. Bên cạnh nguyên nhân có nhiều khó khăn đang “phủ lên” nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng thì năm 2016 cho thấy một thực tế XK của nhiều ngành còn đang thiếu những bước đi vững chắc.
“Đầu tàu” giảm sút
XK của Việt Nam sau một thời gian dài đã đến “ngưỡng”, muốn tạo nên đột phá về XK cần có sự thay đổi căn bản về chất, tức là chú trọng đến vấn đề gia tăng giá trị sản phẩm để thu về nhiều lợi nhuận hơn. |
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã phải thốt lên rằng, năm 2016 là năm khó khăn nhất với ngành dệt may trong 10 năm qua khi mức tăng trưởng chỉ ngấp nghé 5% (những năm trước ngành này có tốc độ tăng trưởng khá cao trên 10%). “Chúng tôi thực sự khó khăn”, “ăn cháo còn hơn nhịn đói”, “ăn đong” là những chia sẻ của DN dệt may khi nói về năm 2016.
Trải lòng trước những khó khăn trong năm 2016, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng nói: Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chính sách chưa “khó” như bây giờ nên May Sông Hồng, cũng như nhiều DN trong ngành may khác “có của ăn của để” và mở rộng sản xuất để có quy mô trên 10.000 lao động. Nhưng những năm gần đây tình hình đã đảo chiều khi chi phí liên tục tăng “chóng mặt” sau mỗi lần điều chỉnh lương tối thiểu, đặc biệt là chi phí bảo hiểm xã hội và phí công đoàn. Mỗi lần điều chỉnh lương tối thiểu là May Sông Hồng “tốn” khoảng 50-60 tỷ đồng. “Năm nay tình hình lại càng khó khăn hơn khi doanh thu giảm, lợi nhuận giảm, đơn hàng cũng không đủ. Các DN phải nhận đơn hàng khắp nơi, có cái gì nhận cái đó để cho qua cơn bĩ cực này”, ông Thịnh ngậm ngùi nói.
DN dệt may còn phải cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ như Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka. Các nước này đã tập trung nhiều chính sách cho dệt may như phá giá đồng nội tệ, ưu đãi vốn, giảm thuế… nên có lợi thế cạnh tranh hơn các DN Việt Nam. Khó khăn cộng dồn đã khiến cho toàn ngành dệt may- ngành hàng XK lớn thứ 2 của Việt Nam không đạt như kỳ vọng, buộc phải hạ mục tiêu XK 32 tỷ USD hồi đầu năm xuống còn 29 tỷ USD.
Không khó khăn về thị trường nhưng XK điện thoại các loại và linh kiện- mặt hàng XK lớn nhất của Việt Nam năm 2016 cũng không có nhiều dư địa khi mức tăng trưởng đã đến ngưỡng. Nếu XK điện thoại các loại và linh kiện năm 2014 đạt 23,6 tỷ USD, năm 2015 là 30,6 tỷ USD thì đến năm 2016 con số này là trên 32 tỷ USD. Tuy nhiên, trái ngược với con số giá trị tuyệt đối, tốc độ tăng trưởng của mặt hàng này liên tục giảm dần từ đỉnh cao trên 30% xuống còn hơn 10% như năm 2016.
Chưa thoát giá giảm
Mấy năm trở lại đây, nhiều mặt hàng XK của Việt Nam đã đến “ngưỡng” về lượng khiến cho XK của cả nước khó có đột biến, điển hình là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, máy tính. Các mặt hàng nông, thủy sản như gạo, sắn… cũng không phải ngoại lệ. Không dừng ở đó, giá XK giảm cũng là một trở lực không nhỏ cho XK. Hầu hết các báo cáo của Bộ Công Thương đều đề cập đến nội dung “ngoài yếu tố lượng, XK bị ảnh hưởng bởi yếu tố giá”.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, XK trong năm 2016 còn gặp nhiều khó khăn do bất ổn chính trị tại các thị trường chủ lực làm giảm nhu cầu tiêu dùng, kéo theo giá giảm. Điển hình là nhóm hàng nông, thủy sản không được lợi về giá, do giá nông sản thế giới vẫn ở mức thấp. Mặt hàng gạo là một ví dụ. Theo đó, cả năm nay, XK gạo luôn trong tình thế khó khăn, cạnh tranh gay gắt với các thị trường. XK chỉ đạt 5 triệu tấn, giảm khoảng 1,5 triệu tấn so với năm 2015 (sản lượng gạo XK năm 2015 đã là khá thấp). Đáng chú ý, trị giá XK gạo giảm gần 18% và trên 20% về lượng.
Mặc dù chỉ đóng góp khoảng 2% trong tổng kim ngạch XK nhưng sự sụt giảm về giá của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng khiến XK khó khăn hơn. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, lượng XK nhóm hàng này liên tục giảm trong một vài năm trở lại đây, điều này phù hợp với chủ trương giảm XK khoáng sản thô. Nhưng việc giảm lượng XK song song với giảm giá XK đã khiến kim ngạch XK nhóm hàng này sụt giảm mạnh. Ví dụ, mặt hàng than đá và dầu thô lượng và giá XK đều giảm mạnh, trong đó than đá giảm trên 45% về lượng và trên 47% về trị giá, dầu thô giảm 20% về lượng và gần 40% về trị giá. Mặt hàng quặng và khoáng sản trong thời gian qua cũng giảm giá trị XK so với năm 2015 dù lượng xuất tăng gấp đôi. Như vậy, chỉ tính riêng yếu tố giá giảm đã làm cho kim ngạch XK của nhóm này giảm khoảng 1 tỷ USD, đồng thời tác động đến XK của cả nước.
Bên cạnh đó, một số nhóm hàng như hóa chất, phân bón, sản phẩm chất dẻo, clanhke và xi măng XK giảm cả về lượng và giá do cầu NK giảm và cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại với Trung Quốc. Hơn nữa, các mặt hàng thuộc nhóm do DN FDI sản xuất như máy vi tính, linh kiện điện tử tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ, thậm chí có mặt hàng có kim ngạch XK giảm như máy ảnh, máy quay phim… đã khiến kim ngạch XK của nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm sâu.
Chậm một nhịp
Ngay từ những tháng giữa năm 2016, khi XK mới chỉ đạt 46,2% kế hoạch năm, người đứng đầu Bộ Công Thương đã phải thừa nhận: “Việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng XK của năm 2016 (10% như Quốc hội đề ra) là một nhiệm vụ khó khăn”. Sự khó ấy tiếp tục đeo bám và những tháng sau đó, XK vẫn chỉ duy trì ở mức tăng trưởng 7-7,5% mà không thể bứt phá. Đến hết tháng 11, XK của cả nước cũng mới chỉ đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong tháng 12, dự báo XK sẽ không có tăng trưởng hay suy giảm đột biến so với tháng 11 (kim ngạch XK đạt 15,6 tỷ USD). Điều này đồng nghĩa với việc đích tăng trưởng 10% càng khó chạm tới.
Kết quả là, XK cả năm 2016 ước đạt 178 tỷ USD, tăng khoảng 7,5-7,7% so với năm 2016. Trong khi đó, NK ước đạt 176 tỷ USD, tăng khoảng hơn 3% so với năm 2016. Như vậy, xuất siêu ước khoảng 2 tỷ USD. Đây có lẽ là mức tăng trưởng thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Mặc dù kết quả XK trên chưa cao song theo đánh giá của Bộ Công Thương đây cũng là “đáng khích lệ” nếu so với nhiều nước trên khu vực và thế giới (Trung Quốc giảm 7,6%, Ấn Độ giảm 8%, Brazil giảm 3,4%, Indonesia giảm 13,6%).
Có thể thấy rằng, đã có rất nhiều biện pháp được đưa ra để thúc đẩy XK nhưng vẫn không đạt mục tiêu. Nguyên nhân là do các thị trường XK chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… giảm nhu cầu nhập khẩu và tăng cường biện pháp rào kỹ thuật, yêu cầu chất lượng, đưa ra các quy định ngặt nghèo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó, các đối thủ có nguồn cung tương tự với Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… đang gia tăng cạnh tranh đối với hàng hoá Việt Nam cả về lượng và về giá. Bên cạnh đó, một số chính sách trong nước cũng được đánh giá là đang tác động không thuận đến XK trong thời gian qua.
Song có một thực tế phải thừa nhận, XK của Việt Nam sau một thời gian dài đã đến “ngưỡng”, muốn tạo nên đột phá về XK cần có sự thay đổi căn bản về chất, tức là chú trọng đến vấn đề gia tăng giá trị sản phẩm để thu về nhiều lợi nhuận hơn.
Mỹ tiếp tục là thị trường XK lớn nhất và vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 15%, chiếm tỷ trọng 22% tổng kim ngạch XK cả nước; tiếp đến là thị trường EU tăng 7,4% và chiếm tỷ trọng 19% tổng kim ngạch XK; thị trường Trung Quốc tăng khoảng trên 20%, chiếm tỷ trọng 12%. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, điều này cho thấy nỗ lực trong các biện pháp giữ vững trọng tâm khai thác các thị trường XK chủ lực của Việt Nam đang tiếp tục phát huy hiệu quả tốt, cũng như từng bước tận dụng các lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Một số thị trường XK truyền thống trong khu vực giảm như ASEAN giảm 7,6%, chủ yếu giảm do XK dầu thô giảm cả về giá và lượng. |