Thế giới cần biến các thỏa thuận môi trường thành hành động

ThienNhien.Net – Năm 2016 có thể được coi là năm hành động chống lại tình trạng biến đổi khí hậu khi Hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu (gọi tắt là Hiệp định Paris), được thông qua 1 năm trước đó, đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11.

Điều này cho thấy các nước đã nhận thức rõ những hiểm họa mà biến đổi khí hậu gây ra, hiểu rằng cần hành động mạnh mẽ để bảo vệ mái nhà chung của mình.

Khí thải từ một nhà máy gây ô nhiễm không khí ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Năm của các thỏa thuận bảo vệ môi trường

Nếu như năm 2015 ghi dấu ấn với việc 200 quốc gia nhất trí tham gia Hiệp định về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris , Pháp, thì năm 2016 được nhìn nhận là năm thành công trong việc thúc đẩy việc hiện thực hóa Hiệp định Paris cùng nhiều thỏa thuận khác.

Theo bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành mới của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, các nước phải mất đến 20 năm để hoàn thành các điều khoản trong Hiệp định Paris, song chỉ mất chưa đầy 1 năm văn kiện này đã đi vào hiệu lực.

Đây chính là bằng chứng thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ màu xanh của Trái Đất của cộng đồng quốc tế.

Tiếp nối tinh thần trách nhiệm cao là nỗ lực triển khai Hiệp định Paris một cách thiết thực nhất.

Điều này chiếm nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự tại Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) tại thành phố Marrakech của Maroc hồi tháng 11 vừa qua.

Trong khuôn khổ COP22, Hội nghị lần thứ nhất các bên tham gia Hiệp định Paris (CAM1) đã được triệu tập, thảo luận tất cả các vấn đề lớn trong Hiệp định và thông qua chương trình hành động chung.

Đây là bước đi đặc biệt có ý nghĩa, tạo sự khởi đầu vững chắc cho việc thực thi Hiệp định.

Không chỉ dừng lại ở những cam kết và lời nói, Hội nghị còn nhận thấy rõ các quốc gia phải hứng chịu những tác động không hề nhỏ từ sự ấm lên của Trái Đất rất cần hỗ trợ thiết thực.

Do vậy, mục tiêu đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2020 nhằm cứu giúp người dân các nước châu Phi đã được đặt ra.

Hành động này đã cho thấy thế giới đã kịp “thức tỉnh” trước những mối đe dọa mang tên biến đổi khí hậu.

Bên cạnh sự thành công của Hiệp định Paris, nhiều thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu cũng đã ra đời trong năm 2016, thực sự cho thấy đây là một năm chuyển từ các cuộc thảo luận và đàm phán toàn cầu liên miên về cách thức đối phó với biến đổi khí hậu thành những chương trình hành động của các chính phủ, các địa phương, các công ty, các nghị viện và các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Vào tháng 10 vừa qua, 191 quốc gia trong Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO) đã thống nhất kế hoạch giảm lượng carbon toàn cầu trong ngành vận tải hàng không.

Cùng với thời điểm này, 197 bên tham gia Nghị định thư Montreal về các chất phá hủy tầng ozone đã ký kết bản sửa đổi về cắt giảm lượng flohydric carbon (HFC) – một trong những loại khí nhà kính mạnh nhất và tăng nhanh nhất được sử dụng chủ yếu trong công nghệ làm lạnh.

Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng đã lần đầu tiên đặt ra thời hạn chấm dứt các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch “không hiệu quả,” và kêu gọi tất cả các nước cùng đạt mục tiêu này vào năm 2025.

Một lực lượng đặc nhiệm quốc tế được thành lập nhằm ngăn chặn các cú sốc thị trường do tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ yêu cầu các công ty phải công khai cách thức xử lý các nguy cơ trong kinh doanh do biến đổi khí hậu, cũng như ảnh hưởng của việc cắt giảm khí thải.

Bên cạnh đó, một chiến dịch toàn cầu thuyết phục các nhà đầu tư rút tiền đầu tư khỏi các dự án nhiên liệu hóa thạch đã được xúc tiến, với số lượng các thể chế cam kết tham gia đạt tới con số 688, với số tiền trị giá 5.200 tỷ USD.

Đồng thời, các quốc gia đang phát triển đang đưa ra các chương trình quốc gia nhằm thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu – như thời tiết bất thường, nước biển dâng và băng tan – với sự hỗ trợ tới 3 triệu USD cho mỗi nước từ Quỹ Khí hậu Xanh vừa được thành lập.

Giới doanh nghiệp, các nhà đầu tư, chính quyền các địa phương cũng không đứng ngoài những nỗ lực chung bảo vệ Trái Đất.

Đơn cử như Liên minh Under2 – một câu lạc bộ gồm các chính quyền cấp vùng cam kết cắt giảm ít nhất là 80% lượng khí thải của mình vào năm 2020 – đã gia tăng số thành viên của mình lên 165, chiếm 1/3 kinh tế toàn cầu.

Và theo Chương trình Mục tiêu dựa vào Khoa học, có hơn 200 công ty cam kết xác định mục tiêu cắt giảm khí thải phù hợp với mục tiêu chung của thế giới nhằm giữ mức tăng nhiệt độ ở dưới mức 2 độ C.

Cảnh báo sớm

Bên cạnh những kết quả tích cực của một năm qua, vẫn tồn tại vấn đề gây quan ngại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đó là nguy cơ Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nước thải ra lượng khí thải lớn nhất thế giới – từ bỏ những nỗ lực chung này.

Việc tỷ phú Donald Trump, người chủ trương rút Mỹ khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu, đắc cử Tổng thống đã đặt ra thách thức không nhỏ.

Chính khách này từng đe dọa sẽ phá vỡ Kế hoạch Năng lượng sạch của Tổng thống Barack Obama, làm suy yếu Ủy ban Bảo vệ Môi trường, và loại bỏ các quy định đang được áp dụng nhằm hạn chế sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ở Mỹ.

Ông cũng tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Những tín hiệu như vậy từ một cường quốc có thể tạo ra sự chia rẽ trong nỗ lực ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu đầy nguy hiểm.

Theo báo cáo của các nhà khoa học châu Âu vừa công bố cuối tháng 12 này, Trái Đất đang tiếp tục đứng trước những nguy cơ lớn do tác động của biến đổi khí hậu, cụ thể, băng ở Nam cực đang tan chảy nhanh hơn.

Tình trạng nóng lên của Trái Đất cũng là nguyên nhân làm tan chảy các sông băng vùng núi trên thế giới trong thế kỷ qua.

Còn theo báo cáo mới nhất về khí hậu Bắc cực 2016, do Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia của Mỹ (NOAA) vừa công bố, nhiệt độ tại Bắc Cực trong năm 2015 ở mức cao kỷ lục và không khí ấm hơn là những yếu tố gây ra tình trạng tan băng và đóng băng chậm tại khu vực lạnh giá nhất thế giới này.

Những biến đổi thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016 cũng kéo theo nhiều thiên tai khắc nghiệt tại các khu vực, như ngập lụt nghiêm trọng ở Mỹ Latinh, hạn hán chưa từng có ở nhiều nước châu Á, trong đó có Đông Nam Á…, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Những thực tế này đang tiếp tục đặt ra cho cả thế giới những thách thức lớn, đòi hỏi có sự hợp tác chặt chẽ và hành động quyết liệt.

Nguồn: