ThienNhien.Net – Công bố về quy hoạch ngành thép Việt Nam của Bộ Công Thương mới đây cho biết, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn…
Nhập siêu thép tấm cán nóng sẽ tăng cao
Theo Bộ Công Thương đối với thép xây dựng với năng lực sản xuất hiện tại, ngành thép Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu trong nước về phôi thép và thép xây dựng. Bởi hiện tổng công suất theo thiết kế các nhà máy đang hoạt động đạt khoảng 11 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tổng công suất các nhà máy có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm trở lên chỉ ở mức 8 triệu tấn/năm. Các nhà máy còn lại có tổng công suất khoảng 3 triệu tấn/năm có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên liệu, khả năng cạnh tranh thấp.
Đến năm 2020, Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng 6 triệu tấn công suất thép phôi xây dựng có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong nước. Đối với thép cuộn cán nóng, Việt Nam mới chỉ có duy nhất dự án Liên hợp thép Formosa Hà Tĩnh với công suất 7,5 triệu tấn, sử dụng lò cao dung tích 4.530m3 đã được đầu tư xây dựng. Khi đi vào hoạt động đây sẽ là khu liên hợp thép đầu tiên tại Việt Nam sản xuất được các sản phẩm thép tấm cán nóng, làm thay đổi diện mạo ngành thép Việt Nam. Tuy nhiên, sự cố về môi trường vừa qua khiến dự án này đang bị chậm tiến độ.
Theo Bộ Công Thương ngoài dự án Formosa, trong thời gian tới, ngành thép Việt Nam không có dự án sản xuất thép tấm cán nóng nào được triển khai, nhập siêu ngành thép đối với chủng loại này sẽ tiếp tục gia tăng.
Cần đầu tư có trọng điểm
Vì vậy, theo Bộ Công Thương, quá trình rà soát quy hoạch cho thấy, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Trước đây, do các doanh nghiệp (DN) trong nước không đủ năng lực tài chính và kỹ thuật nên Việt Nam phải kêu gọi các DN nước ngoài đầu tư các khu luyện thép liên hợp. Đến nay, đã có ba dự án khu luyện thép liên hợp được cấp giấy chứng nhận đầu tư là dự án Khu liên hợp Cà Ná (Liên doanh giữa Tập đoàn Lion và Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam), dự án nhà máy thép Guanglian Dung Quất (nhà đầu tư Đài Loan) và dự án của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Trong số 3 dự án trên chỉ có duy nhất dự án Formosa Hà Tĩnh được triển khai, 2 dự án còn lại đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư do không tiến hành triển khai đúng quy định.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương đến nay, một số DN Việt Nam đã có đủ năng lực, có thể đầu tư các tổ hợp thép có quy mô lớn mà không cần đến các nhà đầu tư nước ngoài FDI. Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng, nếu chúng ta không phát triển các dự án khu liên hợp luyện thép lò cao để sản xuất các loại thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo sẽ có một nghịch lý là sở hữu lượng quặng sắt rất lớn và các chất trợ dung, phụ liệu sản xuất nhưng ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp quốc phòng và đóng tàu phục vụ kinh tế biển lại phụ thuộc hoàn toàn vào thép nhập khẩu (NK) với khối lượng lớn. Điều này gây ra tình trạng nhập siêu lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.
Đồng thời, trên cơ sở xem xét các yếu tố cạnh tranh cho thấy, ngành thép Việt Nam có một số lợi thế về cạnh tranh như lợi thế nguồn nguyên liệu đầu vào: Việt Nam có trữ lượng quặng sắt lớn, khoảng 1,3 tỷ tấn, trong đó mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 550 triệu tấn, đã hoàn thành các giai đoạn chuẩn bị đầu tư song chưa thể đưa vào khai thác do công suất các lò cao trong nước còn nhỏ, nhu cầu tiêu thụ quặng sắt không nhiều.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nếu xây dựng được các khu luyện thép liên hợp có công suất 7 – 10 triệu tấn/năm, mỗi năm có thể khai thác được khoảng 15 triệu tấn quặng sắt từ mỏ sắt Thạch Khê và các mỏ sắt khác trong nước. Lượng quặng sắt trong nước đủ dùng cho khoảng thời gian 30 năm. Với giá quặng NK hiện nay khoảng 60 USD/tấn thì mỗi năm sẽ đóng góp khoảng 900 triệu USD vào giá trị sản xuất nội địa, tương đương 2 triệu tấn dầu thô theo thời giá hiện nay, đóng góp khoảng 0,3% GDP. Đồng thời, sẽ góp phần hạn chế nhập siêu ngành thép mỗi năm 3 – 4 tỷ USD, tăng nội lực đất nước, đảm bảo nền công nghiệp quốc phòng vững mạnh.
Sản lượng phôi thép cả nước năm 2016 ước đạt 8 triệu tấn, trong đó sản lượng phôi thép sản xuất bằng công nghệ lò cao ước đạt 2,5 triệu tấn, sản lượng sản xuất bằng công nghệ lò điện ước đạt 5,5 triệu tấn. Do vậy, nếu được đầu tư bài bản, chọn đúng hướng đi của các dòng sản phẩm, ngành thép Việt Nam hoàn toàn có khả năng cung cấp cho nội địa cũng như cạnh tranh đối với hàng hóa NK. |