ThienNhien.Net – Các chuyên gia về năng lượng, kinh tế và môi trường cho rằng năng lượng tái tạo sẽ là nguồn năng lượng sạch, là lựa chọn phù hợp để thay thế trong tương lai.
Vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận do điều kiện kinh tế hiện tại chưa đủ cho phép đầu tư cho dự án cần số tiền rất lớn này. Vậy nguồn năng lượng sạch nào là lựa chọn phù hợp để thay thế trong tương lai? Theo các chuyên gia về năng lượng, kinh tế và môi trường, đó chỉ có thể là năng lượng tái tạo.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo từ mặt trời, gió… với công suất ước tính 37.818MW – tương đương công suất hiện tại của hệ thống điện quốc gia. Nếu khai thác tối đa tiềm năng, Việt Nam có thể chủ động về năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo ít rủi ro, ít tác động xấu đến môi trường và sinh kế của người dân, lại tương đối đơn giản nên có thể tạo nhiều việc làm mới cho lao động có trình độ thấp ở nông thôn, hay các vị trí quản lý, lắp đặt, bảo trì hệ thống.
Chỉ riêng với điện gió, nếu khai thác hết tiềm năng, mỗi năm Việt Nam sẽ thu được khoảng 10.000MW – con số đáng kể giúp giảm tải cho thủy điện và nhiệt điện. Tuy nhiên, hiện mới chỉ 3 tỉnh triển khai dự án điện gió và chỉ 4 dự án ở Tuy Phong (Bình Thuận), đảo Phú Quý (Bình Thuận), Trung Nam (Ninh Thuận) và Bạc Liêu đã có điện bán. Bộ Công Thương cho biết, điện gió ở Việt Nam chưa phát triển do việc đầu tư cho loại hình năng lượng sạch này còn nhiều khó khăn.
Khó khăn lớn nhất là chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược, vì giá bán điện gió hiện thấp hơn thủy điện và nhiệt điện. Để khắc phục, Nhà nước cần có chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài việc mua bán, chuyển giao công nghệ, Việt Nam cũng cần có những chương trình nghiên cứu tổng thể, phát triển và làm chủ công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy với chính sách đúng đắn, năng lượng tái tạo thu hút được nhiều hơn sự đầu tư từ các khu vực tư nhân, trong khi năng lượng hạt nhân và năng lượng hóa thạch đòi hỏi nguồn đầu tư chủ yếu từ Nhà nước và trong thời gian dài.
Hiện chi phí cho sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên thế giới có xu thế giảm mạnh – ở Dubai, UAE hiện chỉ còn khoảng 670 đồng/1kWh – và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tranh thủ cơ hội này, Việt Nam cần ưu tiên sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vì lợi ích kép là an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển kinh tế ổn định, bền vững.