ThienNhien.Net – Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 và nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 2 đang vận hành 4 tổ máy với tổng công suất 1.200 MW. Lượng than đốt hàng năm khoảng 3.200 triệu tấn và tạo ra lượng tro xỉ khoảng 1 triệu tấn, trong đó lượng xỉ đáy lò là khoảng 1.500 nghìn tấn, lượng tro bay khoảng 8.500 nghìn tấn.
Để đảm bảo về môi trường, Cty CP Nhiệt điện Hải Phòng (chủ đầu tư nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2) đã xây dựng hồ thải xỉ trên diện tích 60ha. Theo thiết kế hồ thải xỉ này sẽ chứa được lượng xỉ cho nhà máy hoạt động trong vòng 10 năm.
Bên cạnh đó, hệ thống thải xỉ của Cty đã được thiết kế kiểu thủy lực, có nước tuần hoàn kín. Toàn bộ lượng nước bơm ra bãi thải xỉ có thể được bơm ngược trở lại nhà máy.
Cty cũng luôn chú trọng việc trồng hàng trăm cây xanh quanh hồ và làm hệ thống phun nước tự động để tránh tình trạng tro bay phát tán ra xung quanh.
Để giám sát môi trường tốt hơn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hải Phòng thường xuyên thực hiện các giải pháp như tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, yêu cầu nhà máy phải xây dựng, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, lắp đặt các hệ thống công tơ, hệ thống camera, tại khu vực nhà máy để theo dõi dẫn truyền về Sở TN&MT theo hình thức trực tuyến online, 24/24h.
Trước yêu cầu đặt ra về vấn đề xử lý tro xỉ, trong thời gian qua, Cty đã chuyển giao cho các đơn vị đưa xe bồn vào để tiêu thụ tro xỉ, tận dụng làm phụ gia trong sản xuất tại các nhà máy làm xi măng, bê tông, gạch.
Đối với tro bay, Cty đã thực hiện theo hình thức giao khoán xi-lô cho 5 đơn vị nhận tiêu thụ toàn bộ tro bay của 2 nhà máy nhiệt điện. Hiện nay hầu hết lượng tro bay được tiêu thụ hết, chỉ có một lượng tro bay rất ít phải bơm lên hồ thải xỉ do yêu cầu vận hành hệ thống thải xỉ hoặc sự cố.
Ông Nguyễn Văn Thanh (Phó Tổng Giám đốc Cty Nhiệt điện Hải Phòng) cho biết: Các nhà máy nhiệt điện đốt than trong quá trình vận hành phải đảm bảo các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, cố gắng giữ các thông số đạt theo thiết kế. Về tro xỉ, Cty Nhiệt điện Hải Phòng phải triệt để khai thác tiêu thụ trong nhà máy. Trong quá trình khai thác hồ thải xỉ, phải đảm bảo thực hiện theo quy trình, quy định nghiêm ngặt.
Ông Lê Trung Thành (Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Xây dựng) đánh giá cao việc nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chủ động ký hợp đồng với các đơn vị xử lý để bao tiêu xử lý lượng tro xỉ. Theo ông Thành, giải pháp đưa phát thải tro xỉ ra bãi chứa và có hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp (DN) để sử dụng tro xỉ trong việc sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) là một giải pháp hợp lý.
Trước đó, triển khai thực hiện Quyết định số 1696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/8/2015, UBND TP Hải Phòng đã ban hành chỉ thị về việc thực hiện một số giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD.
Theo đó, UBND TP Hải Phòng yêu cầu, đối với các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón đang hoạt động hoặc đã có quyết định đầu tư phải có phương án đầu tư xây dựng dây chuyền, thiết bị xử lý tro, xỉ, thạch cao đảm bảo tiêu chuẩn, quy tiêu chuẩn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất VLXD và đưa vào vận hành trước năm 2020.
Đối với các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón đầu tư mới, đầu tư mở rộng hoặc cải tạo, khi phê duyệt dự án phải bao gồm thiết kế đồng bộ dây chuyền, thiết bị xử lý tro, xỉ, thạch cao đảm bảo tiêu chuẩn, quy tiêu chuẩn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất VLXD.
TP Hải Phòng cương quyết: Đến năm 2020, chỉ cấp diện tích bãi thải cho các dự án nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón với dung lượng chứa tối đa cho 2 năm sản xuất phù hợp với quy mô, công suất dự án.
UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD.
Các dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón phải bổ sung quy định ngay trong thiết kế cơ sở, các dự án phải thiết kế hoàn chỉnh đến khâu xử lý và có phương án thu hồi tro, xỉ, thạch cao, đồng thời bổ sung tiêu chí xử lý tro, xỉ, thạch cao đối với nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón trong nội dung thẩm định dự án.
Ngoài ra, TP Hải Phòng cũng yêu cầu rà soát, bổ sung quy định về quy mô diện tích, thời gian sử dụng bãi chứa tro, xỉ, thạch cao; xác định diện tích bãi thải dôi dư sau khi đầu tư dây chuyền, thiết bị xử lý tro, xỉ, thạch cao để thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh: Hoạt động xử lý tro, xỉ, thạch cao và sử dụng thành phẩm làm VLXD được hưởng hỗ trợ, ưu đãi theo quy định hiện hành về quản lý chất thải rắn. Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón có trách nhiệm kiểm tra chi phí xử lý tro, xỉ, thạch cao trong trường hợp không tự đầu tư dây chuyền, thiết bị xử lý tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD.
Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cơ quan quản lý và sự cố gắng của doanh nghiệp và mong rằng trong thời gian tới, việc xử lý tro xỉ, nước thải, khí thải của nhà máy nhiệt điện Hải Phòng nói riêng và các nhà máy nhiệt điện trên cả nước nói chung hiệu quả, giữ được môi trường xanh, sạch, đẹp.