ThienNhien.Net – Đó là khẳng định của ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ông cho rằng kinh tế thị trường do nhiều thành phần kinh tế thực hiện nên Nhà nước không thể định ra ông này phải làm việc này, ông kia làm việc kia. Việc đầu tư vào lĩnh vực này hay lĩnh vực khác là do các nhà đầu tư.
Nên bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm
Thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, dự thảo Quy hoạch ngành thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 lần thứ 2 đã bị gác lại để hoàn thiện thêm sau khi lắng nghe sự phản biện từ giới chuyên gia. Điểm mới trong quy hoạch lần 3 này chính là có sự tham gia tư vấn của chuyên gia nước ngoài.
Tuy nhiên, dư luận cũng đang đặt ra vấn đề liệu quy hoạch lần này có chết yểu như quy hoạch các năm 2007, 2009 và 2013 không, khi mà theo dự thảo Luật Quy hoạch, dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2018 tới.
Cụ thể, dự thảo luật quy định Nhà nước sẽ không quản lý các ngành kinh tế bằng quy hoạch mà quản lý bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, bằng các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường… Do đó, việc cấp phép đầu tư trong ngành thép sẽ phải có ý kiến của các bộ ngành liên quan chứ không riêng gì Bộ Công Thương.
Như vậy, theo dự thảo luật mới chỉ còn 21 ngành được lập quy hoạch cấp quốc gia và có danh mục cụ thể. Theo danh mục này, ngành công thương chỉ còn được lập 4 quy hoạch về điện lực; cung ứng xăng dầu, khí đốt; quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến quặng phóng xạ; quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản. Trong số này không có ngành thép.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết hiện nay, về lý thì khi Luật Quy hoạch chưa có hiệu lực thì Bộ Công Thương vẫn có quyền lập quy hoạch ngành thép, những văn bản về quy hoạch hoàn toàn có giá trị.
Tuy nhiên, ông Các khẳng định việc quy hoạch cho các sản phẩm cụ thể là không phù hợp với kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường do nhiều thành phần kinh tế thực hiện nên Nhà nước không thể định ra ông này phải làm việc này, ông kia làm việc kia. Việc đầu tư vào lĩnh vực này hay lĩnh vực khác là do các nhà đầu tư, họ sẽ quyết định đầu tư dựa vào lợi nhuận mà họ thu được chứ không phải do bản quy hoạch.
Thứ nữa, ông Các cho rằng kinh tế thị trường thì không bao giờ được khép kín nên không thể tính nhu cầu của riêng trong nước được. Ví dụ như Bộ Công Thương lập luận rằng tới đây Việt Nam sẽ thiếu 15 triệu tấn thép, làm sao có thể tính vậy được? Bộ Công Thương chỉ tính thị trường trong nước còn thị trường quốc tế thừa bao nhiêu triệu tấn thì Bộ đã tính hết chưa?
“Trong nền kinh tế thị trường, ta chỉ nên phát huy những mặt hàng mà ta có thế mạnh và cũng chỉ có thể cạnh tranh được với thế giới bằng những lợi thế của chúng ta. Ta không thể làm theo cách thị trường trong nước thiếu cái gì thì ta đầu tư làm cái đó” – ông Các nói.
Ông Vũ Quang Các nói thêm, đa số các quốc gia hiện nay lập quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành. Điều này có thể góp phần giải quyết xung đột về sử dụng không gian giữa các ngành trong một quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam vẫn lập quy hoạch phương pháp cũ, riêng rẽ nên chưa phát huy được hiệu quả của quy hoạch.
Nêu quan điểm về việc lập quy hoạch ngành, sản phẩm, Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết chỉ riêng kinh phí cho việc làm quy hoạch các loại giai đoạn 2011-2020 lên đến gần 8.000 tỉ đồng. Các bộ, ngành, địa phương thi nhau làm quy hoạch nhưng chất lượng quy hoạch thấp, nhiều quy hoạch thừa thãi, lãng phí, thiếu tính khả thi và thường xuyên bị điều chỉnh hoặc bị phá vỡ.
Các ví dụ điển hình cho nhận định này của Bộ Kế hoạch – Đầu tư là quy hoạch thép các năm 2007, 2009, 2013 và hàng loạt các quy hoạch tôm, cá, mía đường, bò sữa… của các bộ ngành khác hầu hết “vỡ trận”.
Cần cân nhắc việc thuê nước ngoài làm quy hoạch
Nói với Một Thế Giới về ý muốn làm thép của Bộ Công Thương, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho biết Việt Nam cần tính toán lại xem làm thép đến đâu thì vừa. Quy hoạch này bỏ sót yếu tố vật liệu thay thế thép trong tương lai.
Ông Mại nêu rõ có những thứ hiện nay sử dụng thép, nhưng trong tương lai chưa chắc đã dùng thép. Hiện nay, Việt Nam đã có những vật liệu mới như như nano, composite có thể thay thế được thép trong nhiều việc.
Ví dụ như cách đây vài năm chúng ta khuyến khích đóng tàu vỏ thép để đánh bắt xa bờ, nhưng hiện nay thì nhiều ý kiến cho rằng dùng chất liệu composite sẽ có lợi hơn nhiều. Và khi so sánh, vỏ composite nhẹ hơn, bền hơn và rẻ hơn nhiều so với thép. Nếu có thể thay thế bằng vật liệu composite thì chưa chắc nhu cầu thép đã lớn như bây giờ.
Theo chuyên gia này, hiện gang thép trên thế giới rất nhiều, Việt Nam không nên đầu tư vào công nghiệp thép. Việt Nam có thể đi vào công nghiệp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano sau đó bán ra thị trường thế giới và mua thép. Việt Nam nên bỏ qua những ngành công nghiệp cổ điển và đầu tư công nghệ hiện đại để tránh những vết xe đổ của các quốc gia đi trước.
Theo ông Mại, việc thuê nước ngoài tư vấn về quy hoạch thép thì Bộ Công Thương cũng cần phải có tính toán. Chúng ta có đến nỗi không làm được quy hoạch thép hay không, hay là cứ người nước ngoài là làm tốt hơn?
Ông Mại cũng dẫn ra, chúng ta đã từng có 2 quy hoạch thuê nước ngoài, đó là quy hoạch Ninh Thuận và Hà Nội. Với quy hoạch phát triển Ninh Thuận chúng ta thuê Monitor, còn quy hoạch Hà Nội chúng ta cũng thuê chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc, mất rất nhiều tiền nhưng không đến đâu.
“Nước ngoài hơn chúng ta nhiều về công nghệ, về thị trường nhưng thuê nước ngoài quy hoạch không phải lúc nào cũng tốt. Quy hoạch của chúng ta phải phù hợp với văn hóa, tập quán, dân sinh của người Việt Nam. Tôi nghĩ tốt nhất vẫn là tập hợp tài năng của người Việt Nam để là quy hoạch” – ông Mại cho hay.
Trình quy hoạch thép đến Thủ tướng vào quý 4/2016Hiện nay, dự thảo Quy hoạch ngành thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 mới thực hiện được giai đoạn đầu. Trong đó, giữa tháng 11.2016, Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị có liên quan về dự thảo lần 1. Dự thảo lần 2 được ban hành và tổ chức lấy ý kiến vào ngày 13.12 và so với dự thảo lần 1, Bộ Công Thương đã loại bỏ 12 dự án có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, chưa triển khai hoặc do địa phương đề xuất.
Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện dự thảo lần 3 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo yêu cầu của Thủ tướng tại công văn số 2822 ngày 7.12.2016, Bộ Công Thương cần hoàn thiện dự thảo Quy hoạch ngành thép để trình Thủ tướng xem xét vào quý 4/2017. |