ThienNhien.Net – Từ nay đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang tập trung nguồn lực đầu tư phát triển lâm nghiệp đa chức năng để thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nâng cao hiệu quả về môi trường và kinh tế rừng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đất lâm nghiệp của tỉnh hiện có 86.292 ha, trong đó đất có rừng khoảng 68.620 ha, tập trung ở vùng U Minh Thượng, Tứ giác Long Xuyên, hai huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải. Tỉnh quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2020 là 79.218 ha, gồm: rừng sản xuất 10.959 ha, rừng phòng hộ 30.121 ha và rừng đặc dụng 38.138 ha; độ che phủ của rừng 12%.
Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, trên cơ sở quy hoạch này, tỉnh tăng cường quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có, khoanh nuôi tái sinh kết hợp trồng cây mới những khu vực rừng nghèo, đất chưa thành rừng để làm giàu tài nguyên rừng. Tăng tỷ lệ rừng kinh tế trên tổng diện tích rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng sản xuất theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng.
Tỉnh đầu tư trồng rừng những khu vực đất trống, đất chưa sử dụng vùng ven biển trên các lâm phần và trồng lại rừng sau khai thác với tổng diện tích 15.638 ha. Trong đó, rừng sản xuất hơn 4.000 ha ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng nhằm tạo nguồn nguyên liệu cung ứng cho Nhà máy chế biến gỗ MDF, công suất 75.000 m ³ /năm tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành).
Trồng rừng phòng hộ trên đất bãi bồi ven biển thuộc địa bàn 4 huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất, Kiên Lương để phòng chống xâm thực, sạt lở và tăng khả năng phòng hộ, bảo vệ đê biển dài hơn 200 km từ Mũi Nai (Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (An Minh), ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bảo vệ nghiêm ngặt kết hợp với phát triển rừng đặc dụng ở các khu vực Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc, Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Chông (Kiên Lương) và rừng trên các đảo.
Tỉnh cũng đẩy mạnh phong trào trồng hơn 12,5 triệu cây phân tán trên đất vườn tạp, đất hoang hóa, ven kênh rạch, vừa phủ xanh đất trống, tạo nguồn nguyên liệu gỗ cho Nhà máy chế biến gỗ MDF, vừa khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng thêm thu nhập cho nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống sạt lở đất bờ kênh mương.
Cùng với đó, tỉnh tiến hành giao khoán rừng cho hộ dân, doanh nghiệp khoảng 15.000 ha đầu tư sản xuất theo các mô hình lâm – ngư kết hợp, rừng – du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm. Cụ thể là khôi phục nguồn lợi cá đồng kết hợp trồng, quản lý bảo vệ rừng tràm U Minh Thượng; sản xuất rừng – tôm – cua – cá khu vực rừng phòng hộ An Biên – An Minh;
Phát triển rừng kết hợp du lịch sinh thái ở U Minh Thượng, Phú Quốc và một số xã đảo. Hằng năm, khai thác 30% diện tích rừng sản xuất và 10% diện tích rừng phòng hộ đến tuổi khai thác theo phương thức “khai thác đến đâu trồng lại rừng đến đó”; cung cấp ổn định từ 30.000 m ³ gỗ tràm, bạch đàn và 80.000 – 90.000 m ³ củi cùng một số lâm sản khác cho nhu cầu thị trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn khẳng định, quy hoạch khôi phục và phát triển rừng nhằm bảo vệ vùng biên giới biển – đảo, an ninh – quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn tài nguyên rừng. Rừng Kiên Giang với sự đa dạng về loại rừng và đặc sắc về cảnh quan không những hấp dẫn về du lịch sinh thái mà còn là điều kiện thuận lợi phát triển mạnh rừng sản xuất, kiến tạo nhiều những giá trị to lớn cho xã hội, nhất là kinh tế dân sinh cho cư dân làng rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, từ nay đến năm 2020, Kiên Giang tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án như: Bảo vệ và khai thác rừng, phát triển du lịch sinh thái, trồng rừng phòng hộ ven biển, củng cố hệ thống đê biển, khôi phục nguồn lợi cá đồng Vườn Quốc gia U Minh Thượng, phát triển cây hồ tiêu dưới tán rừng tràm… và một số dự án khác, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn và tăng thu nhập, cải thiện đời sống cư dân làng rừng.
Phát triển rừng phòng hộ ven biển, đẩy mạnh trồng rừng trên đất trống trong lâm phần sẽ giúp cải thiện môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, tạo môi trường bền vững cho các hệ sinh thái động thực vật sinh sống và phát triển.