ThienNhien.Net – Sản phẩm gỗ phải cải tiến, sáng tạo, đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc mới có thể mở rộng và phát triển thêm thị trường xuất khẩu.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành đứng thứ 7 trong Bảng xếp hạng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, ước đạt khoảng 7,3 tỷ USD trong năm 2016, chiếm hơn 4,4% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), từ năm 2008 đến nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chuyển sang sản xuất đồ gỗ nội thất để có thể thích ứng với nhu cầu mới của thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm gỗ ngày càng đa dạng hơn, mẫu mã và chất lượng sản phẩm ngày càng phù hợp hơn với thị trường xuất khẩu.
Mặc dù gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở nhiều quốc gia, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên thị phần đã giảm từ trên 40% năm 2010 xuống còn 38,3% năm 2015. Tỷ trọng xuất khẩu sang EU – thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trước đây đã giảm từ 18,2% năm 2010 xuống còn 11,3% trong năm 2015.
Theo ThS. Hoàng Thị Vân Anh, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu tập trung vào sự thay đổi về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng gỗ trên thế giới, điều kiện kinh tế, giá cả và thu nhập của người tiêu dùng, đặc biệt là sự thay đổi trong chính sách thương mại gỗ của các nước nhập khẩu chính.
“Các thị trường nhập khẩu gỗ lớn của thế giới đã và đang tăng cường các hàng rào kỹ thuật liên quan tới nguồn gốc hợp pháp của gỗ nguyên liệu sử dụng để chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu. Nếu Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc gỗ đồng nghĩa với việc có thể mở rộng và phát triển thêm thị trường xuất khẩu”, ThS. Hoàng Thị Vân Anh cho biết.
Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều doanh nghiệp chế biến đang sử dụng công nghệ, thiết bị chế biến lạc hậu, cũ, khó có thể sản xuất được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, trong khi không có khả năng về vốn cũng như hạn chế về khả năng tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị chế biến.
“Việc nghiên cứu, thiết kế, công nghệ chế biến chưa tương xứng với nhu cầu đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị cũng như chưa đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của thị trường thế giới”, ThS. Hoàng Thị Vân Anh nhận định.
Coi trọng nguồn gốc gỗ và đổi mới sản phẩm
Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Việc thực hiện các cam kết hội nhập sẽ giúp các doanh nghiệp gỗ Việt Nam tăng cường năng lực quản trị và sản xuất kinh doanh, giúp cải thiện cuộc sống cho người trồng rừng, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng nguồn gỗ từ rừng trồng và kích thích đầu tư trở lại rừng trồng.
ThS. Hoàng Thị Vân Anh cho rằng, để có thể tận dụng được những cơ hội và hạn chế những thách thức từ hội nhập, đặc biệt khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, FLEGT/VPA được ký kết và thực thi, doanh nghiệp gỗ phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, trong đó yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ của gỗ và các sản phẩm gỗ. Đây một trong những thách thức lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về nội dung cam kết như thuế quan, quy tắc xuất xứ, biện pháp kỹ thuật và biện pháp phòng vệ để có chiến lược thâm nhập hiệu quả vào các thị trường đã tham gia FTAs.
Bên cạnh đó, một số hạn chế của các sản phẩm gỗ Việt Nam cần phải được nhanh chóng khắc phục. Các sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào nhu cầu của người đặt hàng, rất ít sản phẩm được xây dựng và cải tiến theo sáng tạo. Các sản phẩm của Việt Nam có mẫu mã giống nhau, đặc biệt là các sản phẩm ngoại thất do thiếu những nghiên cứu đầy đủ và hỗ trợ phát triển đối với việc chế biến gỗ.
“Để tăng khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho thị trường, các nhà sản xuất và xuất khẩu gỗ cần cải tiến mẫu mã, chất lượng, công nghệ và xây dựng thương hiệu sản phẩm nói riêng của mình với chất lượng cao và giá cả phù hợp”, ThS. Hoàng Thị Vân Anh chỉ rõ.
Về lâu dài, ThS. Hoàng Thị Vân Anh đề xuất, nhà nước cần xây dựng chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường. Hỗ trợ tập huấn về công nghệ thông tin, xây dựng và áp dụng chứng chỉ FSC, CoC… cho doanh nghiệp chế biến và người trồng rừng.
Quan trọng hơn là nhà nước cần xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để kiểm soát gỗ nhập khẩu vào Việt Nam nhằm đảm bảo nguyên liệu gỗ tốt, gỗ hợp pháp phục vụ sản xuất xuất khẩu. Đồng thời, kiểm soát, ngăn chặn sản phẩm gỗ chế biến chất lượng kém nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, tạo cơ hội cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam thâm nhập mạnh hơn vào thị trường thế giới.