ThienNhien.Net – Từ phản ánh của một số người dân làng nghề tái chế nhôm Bình Yên (Nam Thanh-Nam Trực-Nam Định) về việc ở đây có chất thải nguy hại được chôn lấp một cách bất thường, PV Đại Đoàn Kết đã theo chân một số người làng vào trong khu xử lý rác, nước thải của làng nghề.
Đào 6 hố, hố nào cũng có chất thải nguy hại
Tại đây PV ghi nhận, khu xử lý mới được xây dựng, trên diện tích đất rộng khoảng 4-5000m2, bao quanh là hệ thống tường bao khá cao. Nằm liền kề với Khu xử lý, chỉ cách tường bao là khu nghĩa trang của làng. Bên trong khu xử lý, ở phía Đông có môt khu nhà, thiết kế theo dạng nhà kho, cửa khóa kín.
Theo người dân, đây chính là kho được xây dựng để chứa chất thải nguy hại. Ở chính giữa, thẳng từ cổng vào là hệ thống các hạng mục của một trạm xử lý nước thải. Ở phía Tây, giáp khu nghĩa trang là một khoảng đất trống chạy dọc tường bao. Tại đây, PV đếm được tổng cộng 6 cái hố, mỗi hố rộng chừng 1-2m2. Đặc biệt, dưới lòng hố nào cũng lộ ra lớp chất rắn, màu đen…
Theo những người dân có mặt tại đây, như các ông Trần Văn Túc (nguyên Trưởng xóm 2, một trong hai xóm của làng nghề), Vũ Ngọc Đang, Trần Xuân Vỵ (người dân xóm 2), thì những chất rắn, màu đen nằm dưới 6 hố trên chính là chất thải nguy hại từ hoạt động tái chế nhôm của làng nghề, đang cần được thu gom để xử lý. Ông Túc, ông Đang, ông Vỵ cũng cho hay chính người dân xóm 2 là những người đã thực hiện việc đào 6 cái hố trên.
Cụ thể, ông Trần Xuân Vỵ, một trong những người tham gia đào hố, kể: Ngày 14/12 vừa qua, nhân đang xây sửa công trình thờ tự, chúng tôi chúng tôi mang cuốc xẻng vào khu xử lý, đào thử mấy cái hố ở vị trí nằm sát tường bao, sát ngay mồ mả của các cụ thì tá hỏa khi phát hiện bên dưới toàn chất thải nguy hại là bã nhôm. Có hố đào sâu 70 phân thì thấy, có hố mới chỉ đào sâu có 40 phân đã thấy…”.
Còn theo ông Đang, đất xây dựng Khu xử lý chất, nước thải trước đây không lâu vốn là đất trồng lúa, chỉ được san lấp khi khu xử lý được xây dựng. Ông Đang cũng cho biết, ngay sau khi đào hố, phát hiện có chất thải nguy hại chôn dưới đất, người dân đã báo với Bí thư chi bộ xóm và chính quyền xã. Bí thư chi bộ xóm 2 và ông Nguyễn Thanh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh sau đó đã có mặt tại hiện trường.
“Khi bà con đề nghị lập biên bản vụ việc thì Bí thư chi bộ xóm nói việc này không thuộc thẩm quyền của Bí thư, còn Phó Chủ tịch xã nói công trình này (khu xử lý) xã mới nhận bàn giao nên cũng chưa nắm rõ, người dân cứ làm việc với trưởng thôn xóm. Bà con sau đó cũng đã liên hệ với trưởng xóm để lập biên bản nhưng đã mấy kể từ hôm phát hiện ra sự bất thường nhưng vẫn chưa thấy trưởng xóm có mặt. Bà con mới chỉ biết chụp ảnh lại toàn bộ hiện trường” – ông Đang thông tin thêm.
Trong câu chuyện, ông Túc, nguyên Trưởng xóm 2 cho biết làng nghề Bình Yên từ lâu đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Làng có khoảng 300 hộ tái chế, sản xuất đồ nhôm, trong đó có 80 hộ chuyên tái chế. Không kể nước hóa chất tẩy rửa, khói lò đốt, hằng ngày các hộ tái chế thải ra một lượng lớn “bã nhôm”, rất độc hại.
Nguyên trưởng xóm cũng cho hay, mấy năm trước, làng nghề được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt Dự án khắc phục, xử lý môi trường, do Sở TN-MT tỉnh làm chủ đầu tư, với kinh phí thực hiện rất lớn, lên tới 88 tỷ đồng, tập trung cho việc cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom; xử lý nước thải, chất thải nguy hại, đất bị ô nhiễm. Từ dự án mới có việc xây dựng kho tập trung chất thải và hệ thống xử lý nước thải. Trong đó, kho tập trung chất thải đã được đưa vào sử dụng, riêng khu xử lý nước thải thì chưa được vận hành…
Cũng theo ông Túc, từ đầu năm 2015, UBND xã Nam Thanh cũng đã thành lập đội thu gom chất thải rắn nguy hại trong làng nghề. Đội này có nhiệm vụ thu gom,mang ra tập kết tại kho chứa. Sau đó một công ty ở Hà Nội, theo hợp đồng với địa phương sẽ về vận chuyển lên một cơ sở xử lý tại tỉnh Phú Thọ.
“Ban đầu đội và các hộ dân thống nhất mức phí thu gom là 3,5 triệu/tấn chất thải; sau đổi sang hình thức thu 2,5 triệu đồng/hộ xả thải. Việc thu gom được duy trì từ đầu năm 2015 đến nay. Tuy nhiên, khoảng 2-3 tháng nay, việc thu gom dừng lại. Tôi giờ không còn làm trưởng xóm nên không rõ lý do, chỉ nghe nói đội thu gom kêu thua lỗ, nhiều hộ dân không nộp tiền phí nên việc thu gomphải dừng lại. Đến ngày 14/12 mới đây thì có chuyện người dân phát hiện chất thải được chôn lấp”- ông Túc thông tin thêm.
Để có thêm thông tin chính thức từ phía chính quyền, PV đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Văn Ngoãn, Chủ tịch UBND xã Nam Thanh. Tuy nhiên, ông Ngoãn cáo bận họp. PV tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Thanh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh, người mà theo người dân đã có mặt tại hiện trường sau khi người dân phát hiện chất thải nguy hại được chôn lấp bất thường trong khuôn viên kho tập kết chất thải. Tuy nhiên, ông Đồng cũng thoái thác.
88 tỷ đồng “cứu” môi trường làng
Liên quan đến sự việc, chiều tối ngày 19-2, thông tin với PV, ông Phạm Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Nam Định cho biết đã nắm qua thông tin về việc người dân đào hố phát hiện chất thải được chôn lấp. Ông cũng cho hay đã gọi điện đề nghị chính quyền xã Nam Thanh kiểm tra, xác minh làm rõ sự việc. “Theo dự án, việc tổ chức thu gom, ký kết hợp đồng vận chuyển chất thải thuộc trách nhiệm của địa phương” – ông Sơn nói.
Theo tìm hiểu của PV, Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Nam Định, sau khi được phản ánh cũng đã cử cán bộ về xã Nam Thanh nắm bắt tình hình.
Liên quan đến Dự án xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề Bình Yên được triển khai từ rất lâu, với số kinh phí bỏ ra rất lớn nhưng đến nay môi trường của làng nghề này vẫn không có nhiều chuyển biến, vẫn trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng, ông Sơn lý giải: “Theo kế hoạch đến hết năm 2016 Dự án sẽ hoàn thành. Tuy nhiên quá trình thực hiện Dự án bị thiếu kinh phí. Đến nay Dự án mới chỉ được cấp hơn 40 tỷ đồng (trong số 88 tỷ đồng), do vậy chưa thể hoàn thành. Chúng tôi vẫn đang phải kiến nghị được cấp tiếp kinh phí”…