ThienNhien.Net – Triển vọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở nên khá mờ mịt sau khi tỷ phú bất động sản Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng ông Trump có thể sửa đổi văn kiện này thành “TPP phiên bản D. Trump”.
Hai tuần sau khi thắng cử, ông Trump đã đăng tải một đoạn video lên YouTube, trong đó tuyên bố vào ngày đầu tiên nhậm chức (20-1-2017), ông sẽ đưa ra thông báo về ý định rút khỏi TPP, thỏa thuận thương mại mà ông gọi là “một thảm họa tiềm tàng” đối với nước Mỹ. Thay vào đó, chính quyền của ông “sẽ đàm phán những thỏa thuận thương mại song phương công bằng để mang việc làm và công nghiệp trở lại nước Mỹ”. Tuy nhiên, chuyên gia David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, cho rằng chính quyền của ông Trump sẽ sớm phải đối phó với thực tế của các mối quan hệ kinh tế và chiến lược trên thế giới. Sự thực là ông Trump đã thay đổi một phần các tuyên bố trong chiến dịch vận động tranh cử và có thể cũng sẽ phải suy nghĩ lại lập trường của mình đối với TPP.
Các giám đốc điều hành công ty Mỹ đang xếp hàng để thuyết phục chính quyền và Quốc hội mới về các cơ hội mà hiệp định này mang lại, như gia tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, những sản phẩm thể hiện công nghệ cạnh tranh nhất. Họ cũng cảnh báo rằng việc hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng công nghệ thấp sẽ làm tăng cao chi phí sinh hoạt, đặc biệt cho người nghèo ở Mỹ. Chắc chắn, Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và các hiệp ước thương mại khác đã thay đổi môi trường kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, sự khó khăn của hàng triệu người bị mất việc làm và rớt khỏi tầng lớp trung lưu Mỹ không thể đổ lỗi cho sự thiếu vắng những cơ hội làm việc khác. Nền kinh tế mới cũng đòi hỏi nhiều công nhân.
Hơn nữa, ông Trump sẽ nói gì với các đối tác tiềm năng trong TPP? Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 2 trong TPP và lớn thứ 3 thế giới đã phê chuẩn hiệp định này. Một số nước châu Á khác đang cân nhắc làm điều tương tự. Có thể họ sẽ phản kháng nếu ông Trump từ bỏ TPP. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng tuyên bố sẽ là vô nghĩa nếu TPP không có sự tham gia của Mỹ. Trong khi Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho rằng TPP là cam kết chiến lược quan trọng của Mỹ. Australia cũng cảnh báo nếu TPP không được phê chuẩn, khoảng trống sẽ tạo thuận lợi cho các nước thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP, gồm 10 nước ASEAN và Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Ông Trump có thể tìm ra cách để hoàn thành một cuộc đàm phán lại TPP mang tính hình thức. Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ có thể đưa ra một số điều chỉnh, và sau đó tuyên bố các nhà đàm phán trong chính quyền của ông đã loại bỏ những điều khoản chỉ làm lợi cho các công ty đa quốc gia mà gây thiệt thòi cho tầng lớp công nhân Mỹ. Tiếp đó, ông Trump sẽ thúc đẩy các chương trình đào tạo nhằm thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo ở trong nước.
Tuy nhiên, phép thử thực sự về cam kết của ông Trump đối với thương mại sẽ là quyết định lựa chọn nhân vật giữ ghế Đại diện Thương mại Mỹ, quan chức phụ trách các cuộc đàm phán thương mại của nước này. Ông Trump đang cân nhắc giữa hai ứng viên là Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Charles Boustany đến từ bang Louisiana, đồng sáng lập Ủy ban “Bạn của TPP” và là người ủng hộ thương mại tự do, và ông Dan DiMicco, một nhân vật có quan điểm cứng rắn trong lĩnh vực thương mại. Việc ông Charles Boustany hay ông Dan DiMicco trở thành Đại diện Thương mại Mỹ sẽ là tín hiệu về chương trình nghị sự của Chính quyền Trump tương lai đối với lĩnh vực thương mại, trong đó có TPP.