ThienNhien.Net – Dự hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (SDNLTKHQ) do Bộ Công Thương tổ chức ngày 16.12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khảng định: Năng lượng là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Hiện nguồn năng lượng truyền thống đang cạn kiệt và việc sử dụng cũng gây ra những tác động khôn lường làm biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu. Vì vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là hết sức cấp thiết và phải thực hiện quyết liệt.
Đã có chuyển biến
Theo đánh giá của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương): Việt Nam là nước đang phát triển, nên nhu cầu sử dụng năng lượng trong các năm qua tăng rất nhanh, khoảng 11,5% trong giai đoạn 2001-2010, trước khi có sự giảm nhẹ từ năm 2011-2015. Nhu cầu tiêu thụ điện năng của VN tăng trung bình 11,07%/năm giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong các năm từ 2011-2015.
Việc sử dụng NL TKHQ có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng. Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một cao hơn của nền kinh tế quốc dân, đồng thời bảo vệ được môi trường, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng giúp tiết kiệm ngoại tệ, phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững.
Điển hình là năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả (VNEEP) giai đoạn 2006-2015. Năm 2010, Quốc hội thông qua “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, có hiệu lực từ năm 2011.
Luật này quy định trách nhiệm SDNLTKHQ của cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó các cơ sở sản xuất công nghiệp có trách nhiệm phải xây dựng, thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hàng năm; lồng ghép chương trình quản lý NL với các chương trình quản lý chất lượng, sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng vào sản xuất; lựa chọn mô hình quản lý tiên tiến, công nghệ phù hợp và thiết bị công nghệ có hiệu suất năng lượng cao; sử dụng các dạng năng lượng thay thế có hiệu quả cao hơn trong dây chuyền sản xuất…
Báo cáo của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho thấy, sau gần 5 năm triển khai, Luật SDNLTKHQ đã góp phần thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và người sử dụng. Giai đoạn 2011 – 2015, tỷ lệ năng lượng tiết kiệm được đạt 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được trong giai đoạn là 11,261 triệu TOE.
Tiết kiệm năng lượng là yêu cầu cấp thiết
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng NLTKHQ trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức của nhiều doanh nghiệp và người dân về lợi ích của việc sử dụng NLTKHQ còn chưa đồng đều; nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân về những biện pháp TKNL còn yếu, chưa đầy đủ, đôi khi còn hiểu sai lệch về việc áp dụng các giải pháp TKNL, dẫn đến hiệu quả TKNL không cao.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ bắt đầu phải nhập khẩu than cho phát điện từ năm 2017 và dự kiến sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng từ năm 2023 để bảo đảm nguồn năng lượng cung ứng cho nền kinh tế. Như vậy, việc tìm ra các giải pháp cung ứng đầy đủ nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế trong tương lai đang là vấn đề quan trọng và cấp bách.
Để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu thì việc phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Mặc dù đã thu được những kết quả nhất định, song việc thực thi Luật SDNLTKHQ vẫn gặp không ít khó khăn. Còn nhiều hạn chế trong việc quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Việc triển khai thực hiện quyết định của Chính phủ ban hành danh mục, phương tiện thiết bị TKNL được trang bị với cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước còn hạn chế. Khó khăn về nguồn vốn khi DN chuyển đổi công nghệ, cơ chế hỗ trợ các DN chưa có tính khuyến khích cao. Bên cạnh đó khả năng thu xếp vốn của các ngân hàng trong nước còn hạn chế, còn lo lắng khi cho vay các dự án hiệu quả năng lượng.
Cơ cấu chi phí năng lượng trên tổng chi phí sản xuất, kinh doanh của nhiều DN thấp, điều này làm giảm động lực của DN trong việc lựa chọn những sản phẩm có hiệu suât cao. Chưa có cơ chế, hành lang pháp lý cụ thể cho hoạt động công ty dịch vụ năng lượng (ESCO).
Giá năng lượng thấp đã làm giảm động lực của khách hàng sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Thời gian tới, nhu cầu về sử dụng năng lượng ngày càng tăng cao trong khi nguồn năng lượng truyền thống ngày càng suy giảm. Do đó,việc SDNLTKHQ được xác định là chiến lược quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào NL nhập. Để khắc phục hạn chế, thực hiện hiệu quả Luật SDNLTKHQ, Bộ Công Thương kiến nghị cần tăng cường trách nhiệm quản lý của các bộ, ngàn, địa phương, các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trong việc sử dụng NLTKHQ. Quy định trách nhiệm giám sát, đánh giá của người đứng đầu trong việc thực hiện kế hoạch sử dụng NL; truy trách nhiệm của các bộ Xây dựng, GTVT trong việc quản lý các phương tiện, thiết bị sử dụng NL.