ThienNhien.Net – Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có diện tích tự nhiên khoảng 22.450 ha, nằm trọn trên địa bàn xã An Toàn (huyện An Lão).
Để bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) trên địa bàn, vừa qua UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn ĐDSH Việt Nam tiến hành nghiên cứu, xây dựng “Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Bình Định giai đoạn 2015-2025 định hướng đến 2030”.
Nhóm nghiên cứu đã kiến nghị Trung ương công nhận khu dự trữ thiên nhiên An Toàn nằm trên địa bàn xã An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) là khu bảo tồn cấp Quốc gia.
Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có diện tích tự nhiên khoảng 22.450 ha, nằm trọn trên địa bàn xã An Toàn (huyện An Lão). Theo kết quả điều tra, nghiên cứu ban đầu cho thấy, đây là khu vực có độ che phủ của rừng tự nhiên còn rất cao, hơn 88%.
Trong đó diện tích rừng nguyên sinh còn giữ được các mẫu chuẩn của tự nhiên còn khá lớn, hơn 52%. Khu hệ thực vật và động vật có tính đa dạng sinh học cao.
Về thực vật, ban đầu đã thống kê được 547 loài bậc cao có mạch thuộc 304 chi và 110 họ; về động vật có 300 loài thuộc 89 họ và 28 bộ của 4 lớp thú, chim, bò sát và lưỡng thể.
Đặc biệt trong số đó có 10 loài thực vật, 72 loài động vật thuộc diện quý hiếm và nguy cấp được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; và có 04 loài thực vật cùng 14 loài động vật thuộc loài đặc hữu đang tồn tại nơi đây.
Có thể kể 1 số loài động vật đặc hữu, quý hiếm và nguy cấp như chà vá chân xám, chà vá chân đen, vượn má hung, khỉ mặt đỏ, nai, gà lôi vằn, mang lớn, trĩ sao; và các loài thực vật như trắc mật, trầm hương, du mooc, hoa khế…
Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc BQL Rừng đặc dụng An Toàn, cho biết Khu dự trữ thiên nhiên An Toàn cùng với Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (Gia Lai) tạo thành một liên khu bảo tồn Trung Trường Sơn, có những hệ sinh thái rừng đặc trưng cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên còn tương đối nguyên vẹn. Những kiểu địa hình núi non xen kẽ cao nguyên cùng với rừng tự nhiên đã tạo nên một cảnh quan tự nhiên hùng vĩ, sinh động và hấp dẫn.
Cũng theo ông Nam, khu rừng An Toàn còn có chức năng phòng hộ đầu nguồn cho sông Kôn, con sông lớn nhất tại Bình Định, góp phần đảm bảo an ninh môi trường, cung cấp nguồn nước chính cho hệ thống thủy điện trên sông Kôn và hồ Định Bình.
Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có những đặc điểm tự nhiên hết sức thuận lợi cho công tác bảo tồn. Bao bọc xung quanh là hệ thống núi non trùng điệp và hiểm trở, cách ly xa với vùng dân cư tập trung.
Hệ thống thuỷ văn với nhiều sông suối, thác ghềnh quanh năm nước chảy và nhiều cảnh quan hùng vĩ cùng với đặc điểm khí hậu quanh năm mát mẻ, hơi lạnh về mùa đông. Đây là những lợi thế để phát triển du lịch sinh thái.
Theo tiến sĩ Lại Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn ĐDSH Việt Nam, trên địa bàn Bình Định có 8 hệ sinh thái cơ bản, như hệ sinh thái rừng tự nhiên, rừng thứ sinh; rừng tre nứa, trảng cỏ, cây bụi; hệ sinh thái nông nghiệp; thủy vực nước ngọt; đầm phá; rạn san hô…
Trong đó, hầu hết các hệ sinh thái đều có tính ĐDSH cao, chưa bị tác động nhiều bởi các hoạt động phát triển kinh tế và sự can thiệp trực tiếp của con người, trong đó có ĐDSH của khu dự trữ thiên nhiên An Toàn.
“Trong mục tiêu bảo tồn ĐDSH tại Bình Định đến năm 2025, đối với các khu bảo tồn được điều tra, độ che phủ rừng được nâng lên 90%, hướng đến nâng cấp khu dự trữ thiên nhiên An Toàn lên cấp Quốc gia. Các nhà khoa học cũng đề nghị xây dựng hệ thống hành lang ĐDSH nối khu dự trữ thien nhiên An Toàn với khu bảo tồn Kon Chư Răng (Gia Lai) và khu bảo tồn Tây Ba Tơ (Quảng Ngãi)”, ông Trần Đình Chương, Phó Giám đốc Sở TN-MT Bình Định cho biết. |