ThienNhien.Net – Sáng 19/12, thực hiện chương trình giám sát chuyên đề, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội tổ chức các đoàn khảo sát tại huyện Đông Anh nhằm đánh giá một cách toàn diện về tình hình ô nhiễm môi trường làng nghề ở địa phương này do Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu làm Trưởng đoàn.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm, huyện Đông Anh có một số làng nghề, làng có nghề. Tuy nhiên, việc sản xuất tập trung nhiều nhất tại 2 xã Vân Hà và Liên Hà. Trong đó, số hộ sản xuất nghề thủ công của xã Vân Hà khoảng 80% chia thành 5 thôn, hoạt động sản xuất chính của các làng nghề xã Vân Hà là sản xuất đồ gỗ dân dụng, đồ gỗ mỹ nghệ; kinh doanh các sản phẩm gỗ và sản xuất nông nghiệp. Số hộ sản xuất nghề thủ công của xã Liên Hà khoảng 50% tương đương với 2.000 hộ chia ra cho 7 thôn, hoạt động sản xuất gỗ dân dụng, gỗ mỹ nghệ, gỗ phun sơn. Theo kết quả khảo sát, đánh giá môi trường năm 2016 cho thấy: Môi trường nước tại đây do chưa có hệ thống xử lý nước thải nên chất lượng nước thải còn nhiều thông số bị vượt QCVN như: TSS, BOD5, COD, NH4+, Coliform. Môi trường không khí có dấu hiệu ô nhiễm, có 4/9 điểm đo có độ ồn vượt quá giới hạn QCVN 26:2010/BTNMT; có 4/9 điểm đo có hàm lượng bụi vượt QCVN 05:2013/BTNMT.
Được biết, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình xã Vân Hà, Liên Hà là hoạt động gắn liền với sinh hoạt trong khi việc sản xuất gỗ luôn làm phát sinh bụi và chất thải rắn (mùn cưa, phoi bào, bụi sơn…) nên đã ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và ảnh hưởng chính đến các hộ gia trực tiếp sản xuất. Hiện rác thải sinh hoạt phát sinh tại 2 xã khoảng 12 tấn/ngày. Qua công tác tuyên tuyền, vận động, nhận thức và ý thức về bảo vệ môi trường của chủ cơ sở sản xuất được nâng lên. Các hộ gia đình đã có ý thức trong việc thu gom phế thải, thay đổi công nghệ, có biện pháp bảo vệ môi trường…
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Châm, vẫn tồn tại nhiều khó khăn trong phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường như: Hạn chế về công nghệ, mặt bằng sản xuất, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của người dân còn hạn chế, trình độ lao động còn thấp, khả năng thu gom, xử lý rác thải chưa được quan tâm đúng mực.
Chủ tịch UBND xã Vân Hà Đỗ Thị Hảo cho biết: “Nếu quy hoạch và chuyển được tất cả các hộ sản xuất về một khu tập trung thì sẽ tạo điều kiện cho vấn đề thu gom cũng như việc xử lý rất thuận tiện. Tuy nhiên, mặt bằng cho làng nghề rất hạn chế. nên việc sản xuất của người dân rải rác trong các khu dân cư. Do đó, để quy hoạch được một khu tập trung là rất cần thiết”.
Đoàn đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị, địa phương nâng cao hiệu quả các khu xử lý rác thải, đồng thời có tăng cường kiểm tra, thanh tra tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu khẳng định, hiện nay, tình hình ô nhiễm làng nghề tại Hà Nội diễn biến phức tạp và rất khó xử lý triệt để. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy chính quyến, nhất là người đứng đầu, phải coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên mà cần phải tập trung. Tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường. Đổi mới công tác tuyên truyền, sát hơn, cụ thể hơn, thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Cùng với đó là chuyển đổi ngành nghề. Địa phương cần quan tâm đến việc xây dựng quy hoạch tổng thể làng nghề, khu công nghiệp để sản xuất chuyên nghiệp hơn. Quan tâm đến xây dựng khu công nghiệp. “Cần thực hiện nghiêm luật bảo vệ môi trường, phải xử lý những trường hợp để cho tình trạng ô nhiễm kéo dài hoặc gây ô nhiễm hết sức nghiêm trọng.”. Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề nghị.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội sẽ tổng hợp các ý kiến, đóng góp và trình lên Quốc hội những chính sách để giảm bớt tác động ô nhiễm từ các làng nghề trên địa bán Thủ đô.