ThienNhien.Net – 5.000 nhân khẩu ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số đang đối mặt với nguy cơ thiếu đói.
Sáng nay (19/12), tại tỉnh Phú Yên tiếp tục có mưa nhỏ, mực nước các sông đang xuống, các khu vực bị ngập lụt nước đang rút nhanh. Do mưa liên tục nên công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả còn gặp nhiều khó khăn.
Sau mưa lũ, các tuyến đường từ đồng bằng lên các huyện miền núi như Sơn Hòa, Đồng Xuân bị sạt lở, ngành chức năng đang làm các đường tạm để đảm bảo lưu thông.
Người dân khẩn trương dọn dẹp bùn đất, vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng nước uống, đảm bảo sức khỏe cho bà con vùng lũ. Công tác cứu trợ lương thực, thực phẩm đang được triển khai gấp rút. Xã Phú Mỡ, huyện miền núi Đồng Xuân, đến sáng nay vẫn còn bị cô lập.
Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: “5.000 nhân khẩu ở xã Phú Mỡ đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số đang đối mặt với nguy cơ thiếu đói. Hiện nay, huyện đã chuẩn bị lương thực để lên cứu trợ, nhưng đường sá giao thông đi lại chưa được. Huyện chỉ đạo xã dùng ngân sách mua lương thực để trang trải cho bà con trước mắt”.
** Cũng trong sáng nay, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế lượng mưa đã giảm, nước lũ trên các sông đang rút chậm. Nhiều huyện như Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang vẫn còn ngập nặng. Tỉnh Thừa Thiên – Huế tăng cường các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích trong lũ.
Đợt mưa lũ vừa qua đã làm 5 người dân ở tỉnh Thừa Thiên – Huế thiệt mạng, trong đó 4 người đuối nước, 1 người bị điện giật. Nhiều tuyến đê xung yếu ven sông Bồ và kênh mương nội đồng bị hư hại nghiêm trọng.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu các địa phương chủ động khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước trong lũ.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: “Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các xã và hiệu trưởng các trường học cần có kế hoạch chủ động bảo đảm an toàn cho học sinh. Những khu vực ngầm tràn cần có cảnh báo, cảnh giới, lập các chốt để cứu hộ. Các địa phương cần có những chỉ đạo cụ thể hơn để bảo đảm an toàn, kể cả người lớn và trẻ em”.