Phát hiện 163 loài mới tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong

ThienNhien.Net – Ngày 19/12, Quỹ bảo tồn động thực vật hoang dã thế giới (WWF) cho biết các nhà khoa học mới đây đã phát hiện 163 loài mới tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong; đồng thời cảnh báo sự phát triển nhanh chóng trong khu vực, từ việc xây đập đến khai thác mỏ, đang đe dọa môi trường sống của động vật hoang dã.

Một loài tắc kè xanh. (Nguồn: wikimedia)

Báo cáo của WWF cho biết trong số những loài mới phát hiện có loài rắn đầu cầu vồng, một loài rồng đất, một loài tắc kè với bộ da màu xanh nhạt (tìm thấy ở Lào) và một giống chuối hiếm được phát hiện ở miền Bắc Thái Lan.

Tiểu vùng sông Mekong là nơi cư trú của các loài động thực vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng nhiều nhất trên thế giới.

Các bộ phận cơ thể của những loài động vật quý hiếm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng như xương hổ và sừng tê giác vẫn được xem là món đồ sưu tập và thường được sử dụng trong y học cổ truyền.

Tháng Sáu năm nay, cơ quan chức trách bảo vệ động vật hoang dã của Thái Lan đã mở đợt khám xét tại Đền Hổ ở phía Tây thủ đô Bangkok, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan và phát hiện rất nhiều bộ da hổ, xác hổ đông lạnh, trong đó có cả hổ con cùng nhiều loài động vật có trong danh sách được bảo vệ khác.

Jimmy Borah, Giám đốc Chương trình động vật hoang dã của WWF ở Tiểu vùng sông Mekong, cho rằng các loài mới được phát hiện ở khu vực này là lời nhắc nhở về sự hy vọng vào thời điểm khi mà tỷ lệ loài bị tuyệt chủng đang gia tăng ở mức báo động.

Vẫn còn nhiều vùng đất bí ẩn, chưa được khám phá, thôi thúc các nhà khoa học mỗi năm phát hiện thêm những loài mới.

Ông Borah nhấn mạnh điều cốt yếu là chúng ta bảo vệ được các loài này trước khi chúng biến mất.

Trong một báo cáo đưa ra trong năm nay, WWF cho biết đến năm 2020, số lượng các loài cá, chim, động vật lưỡng cư, động vật có vú và bò sát trên toàn thế giới có thể sẽ giảm 2/3 chỉ trong vòng 50 năm.

Và Tiểu vùng sông Mekong là trung tâm của thế giới về buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Ông Borah cho biết những kẻ săn lùng sẵn sàng trả hàng nghìn USD hoặc nhiều hơn thế cho các loài quý hiếm nhất, độc nhất vô nhị và có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhất, được rao bán tại các chợ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trong khu vực.

Để bảo vệ các loài này, điều quan trọng là phải cải thiện luật chống săn bắt trộm và các hành vi mua bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Nguồn: