ThienNhien.Net – Mưa lũ dồn dập gần 2 tháng qua làm cho cuộc sống người dân miền Trung vốn nghèo càng nghèo thêm. Ruộng đồng bị sạt lở, vùi lấp muốn khôi phục nhanh cũng mất dăm bữa, nửa tháng; trong nhà thì lúa gạo bị ướt, quần áo, chăn màn trộn bùn non. Hơn 1 tháng nửa là đến Tết Nguyên đán, người dân ngổn ngang trăm mối tơ vò.
Ông Nguyễn Tâm, ở thôn Phước Huệ, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên thẩn thờ nhìn ra bậu cửa. Những cơn lũ dồn dập ập đến khiến tiền bạc, đồ đạc trong nhà trôi sạch. Mấy bao lúa dự trữ ăn từ nay đến Tết cũng bị ướt lên mộng. Những ngày vừa qua, gia đình ông Tâm cùng bà con nơi đây phải sống nhờ vào nguồn cứu trợ từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm.
Ông Nguyễn Tâm lo lắng: “Tôi đang đi làm, vợ tôi ở nhà không chạy được thứ gì, chỉ có ngồi trên cái ghế thắp nhang, vịn đó thôi, chứ không có con đường nào mà thoát hết. Khi tôi về rồi, toàn bộ đồ đạc trong nhà hư hết luôn, chính những bộ đồ tôi mặc đây là đồ được phát”.
Tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, mưa lũ làm ngập úng, hư hại hàng trăm ngàn chậu hoa, cây cảnh khiến người trồng hoa bán Tết ngậm đắng nuốt cay. Vườn mai của gia đình anh Phạm Anh Thương ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, cả ngàn chậu mai cảnh chuẩn bị bán Tết ngập sâu dưới nước.
Anh Thương nhặt nhạnh xếp từng chậu mai, tỉa lại từng cọng lá với hy vọng vớt vát phần nào. Sau đợt lũ đầu tháng 12 chưa kịp chăm sóc cho cây mai hồi sức, thì lại chồng thêm các đợt lũ mới khiến cả vườn mai tan hoang. Gia đình anh Phạm Anh Thương, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định lâm cảnh trắng tay
“Làm mai phải từ 3 năm trở lên mới đem ra thị trường bán được, chỉ trông chờ cuối năm để đem bán kiếm thu nhập, nhưng giờ mưa ngập thế này thì chẳng còn gì để thu nhập cũng như đầu tư nữa rồi”, anh Thương nói.
Con sông Thu Bồn vốn hiền hòa, nặng phù sa bồi đắp cho những cánh đồng của nông dân các huyện phía Bắc tỉnh Quảng Nam những ngày qua trở thành nỗi ám ảnh với người dân. Các hồ thủy điện đầu nguồn đồng loạt xả lũ nước sông chảy xiết, lũ dâng cao bất ngờ. Nhiều ngôi nhà bị nhấn chìm, người lớn, trẻ em dáo dác chạy lũ.
Những cánh đồng rau xanh mơn mởn chuẩn bị bán Tết bị vùi sâu trong bùn. Thường thì mùa này rau bán đầy chợ nhưng mấy ngày qua các chợ đầu mối vắng hoe người bán rau. Trước lũ, mua 1 bó rau cải chỉ 5.000 đồng, hôm nay giá tăng gấp hai, ba lần mà cũng không có rau để mua. Chợ đầu mối Hòa Cường, thành phố Đà Nẵng cung cấp lượng lớn rau xanh cho toàn bộ thành phố, 2 ngày qua thưa dần những chuyến xe chở rau cung ứng.
Chị Võ Thị Thu Thủy, tiểu thương chợ đầu mối Hòa Cầm, thành phố Đà Nẵng cho biết: “Tất cả các mặt hàng rau như rau mồng tơi mấy bữa trước chỉ 80.000 đồng/10 bó, bữa nay 200.000/10 bó. Như vậy là thành 20.000 đồng/1 bó rồi. Cải xanh cũng thế, tất cả cứ 20.000 đồng/1 bó nhưng cũng không có rau để bán”.
Những ngày này, các địa phương miền Trung tập trung công tác cứu trợ, giúp người dân gượng dậy sau lũ. 30 tấn lương khô đã được vận chuyển khẩn cấp bằng đường hàng không cứu trợ nhân dân các tỉnh miền Trung. Tỉnh Bình Định đã cứu trợ khẩn cấp 1.100 tấn gạo đến các hộ dân bị cô lập trong lũ. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương đưa mì ăn liền, nước uống đến người dân các vùng không thể di chuyển ra ngoài.
Tỉnh Phú Yên cũng đã hỗ trợ 1.100 tấn gạo giúp đỡ hơn 11.200 hộ dân. Tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ các địa phương 7 tỷ đồng để mua khoảng 250 tấn lúa giống, 20 tấn giống rau các loại và 1.500 tấn gạo để kịp thời cứu trợ nhân dân vùng lũ. Tỉnh Thừa Thiên- Huế hỗ trợ 1.000 tấn gạo, 100 tấn lúa giống để nông dân gieo cấy vụ Đông- Xuân; cung cấp 20 tấn Clorine để xử lý môi trường nuồi trồng thủy sản; 20.000 lít hoá chất thuốc khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng dịch cho thú y. Mọi tấm lòng đang hướng về đồng bào vùng lũ miền Trung.