ThienNhien.Net – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chỉ rõ nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là giải phóng hải sản tồn kho để người dân đưa ra tiêu thụ, tiền bồi thường phải đến tận tay người dân trước ngày 25/12. Sớm công bố biển miền Trung, hải sản miền Trung đã hoàn toàn sạch, số hải sản nhiễm độc đã bị tiêu hủy hoàn toàn.
Như tin đã đưa, ngày 15/12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình tỉnh Quảng Bình thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, trong đó có các kết luận, chỉ đạo liên quan đến sự cố môi trường biển, đặc biệt là tình hình giải quyết (tiêu thụ, tiêu hủy) các lô hàng hải sản thu mua tạm trữ đang tồn kho.
Sau khi kiểm tra thực địa suốt buổi sáng, trong buổi chiều, Tổ công tác đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại 4 tỉnh miền Trung có 5.369 tấn hải sản thu mua, tạm trữ còn tồn kho, trong đó riêng Quảng Bình nhiều nhất với 3.265 tấn. Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong số này có hơn 2.658 tấn bảo đảm an toàn thực phẩm, hơn 606 tấn không bảo đảm an toàn thực phẩm.
UBND tỉnh cho biết đến ngày 12/12, tỉnh đã hoàn thành việc tiêu hủy 504 tấn hải sản không bảo đảm an toàn (khi lấy mẫu có 606 tấn, nhưng kiểm đếm thực tế khi tiêu hủy là hơn 504 tấn).
Thủ tướng rất sốt ruột
Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá cao việc Quảng Bình đã nghiêm túc thực hiện tiêu hủy hải sản nhiễm độc. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhắc đi nhắc lại và nhấn mạnh vấn đề tiêu thụ hơn 2.600 tấn hải sản hiện đang tồn kho, đây là vấn đề cấp bách nhất.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất sốt ruột vấn đề này. Bộ Y tế đã khẳng định số hải sản còn lại là bảo đảm an toàn, thì làm thế nào để giúp người dân tiêu thụ càng nhanh còn tốt, khẳng định cá Quảng Bình đã sạch. Vì hải sản để tồn kho càng lâu thì chất lượng càng suy giảm, chi phí bảo quản càng tăng”, Bộ trưởng nói.
Tại cuộc kiểm tra buổi sáng, chủ một cơ sở thu mua cho biết, hiện mỗi ngày cơ sở mất 7 triệu đồng tiền điện. Dự kiến cơ sở sẽ được bồi thường 3 tỷ đồng, nhưng hiện nợ ngân hàng tới 13 tỷ đồng.
Cùng với đó là vấn đề chi trả bồi thường cho người dân, bởi sau khi chi trả thì người dân mới đưa hải sản tồn kho đi tiêu thụ. Theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổng giá trị thiệt hại của tỉnh Quảng Bình là hơn 2.588 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã ứng chuyển cho tỉnh 1.100 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định chi trả việc bồi thường theo hướng hải sản tiêu hủy sẽ được bồi thường 100% giá trị, hải sản tồn kho sẽ được hỗ trợ 30% giá trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài cho biết tỉnh đã niêm phong toàn bộ các kho hải sản tồn kho, sắp tới tỉnh sẽ lập 8 tổ, kiểm kê lại toàn bộ số hàng này và chi trả bồi thường toàn bộ cho người dân. Tuy nhiên, một vướng mắc là chưa xác định được đơn giá cụ thể.
Về tiêu thụ, ông Hoài nêu quan điểm người dân, doanh nghiệp phải chủ động tối đa, vì đã được hỗ trợ tới 30% giá trị, đồng thời đề nghị các bộ ngành kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ số hải sản tồn kho.
Nghe xong, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tiếp tục đặt câu hỏi với ông Nguyễn Hữu Hoài về thời gian giải phóng các kho bảo quản hải sản cũng như chi trả bồi thường cho người dân.
“Chốt lại là bao giờ xong. Không thể để niêm phong mãi như vậy, kho cá của người dân mà ta lại cầm chìa khóa. Tinh thần là phải làm ngay, làm nhanh. Theo tôi kho ít chỉ cần 2 ngày, kho nhiều nhiều nhất là 6 ngày”, Bộ trưởng yêu cầu.
Tiền phải đến tay dân, không bớt xén
Đề cập thêm vấn đề này, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục đề nghị tỉnh hết sức khẩn trương. “Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm. Thủ tướng quan tâm cả 4 tỉnh, nhưng Quảng Bình là nhiều nhất. Sáng nay chúng tôi đi thực tế, người dân nói rằng nếu ra Tết mà chưa tiêu thụ xong thì chỉ có nước đổ đi thôi. Như vậy là chỉ còn một tháng rưỡi nữa để đưa số hải sản này từ kho tới mâm cơm của người tiêu dùng”, Phó Chủ nhiệm nói và yêu cầu tinh thần là quyết nhanh, làm nhanh, giải tỏa sớm cho dân. Tuy nhiên, cũng cần nói rõ tinh thần là người dân phải chủ động trong việc này.
UBND tỉnh khẳng định việc kiểm kê các kho hàng nhỏ sẽ mất khoảng 1-2 ngày, còn các kho 300-400 tấn sẽ mất ít nhất 4 ngày, cần tổng cộng khoảng 8 ngày. Chủ tịch Nguyễn Hữu Hoài cam kết sẽ xong dứt điểm trong tháng 12.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, Bộ đã có quyết định chính thức về đơn giá bồi thường cho từng loại hải sản như kiến nghị của tỉnh. Bộ cũng đã làm việc với các doanh nghiệp lớn về phân phối như BigC, Sài Gòn Coop, Metro… để giúp người dân tiêu thụ hải sản.
Kết luận nội dung này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao sự nghiêm túc của Quảng Bình trong triển khai chỉ đạo của Thủ tướng. Việc tiêu hủy tuy có chậm, nhưng đó là do lỗi của các bộ, ngành, địa phương đã chậm trễ xác định đơn giá.
Bộ trưởng yêu cầu với số cá đã tiêu hủy, chậm nhất tới 20/12 phải chi trả bồi thường cho người dân. Với 2.600 tấn cá sạch tồn kho, phải kiểm kê xong trước 20/12 và tiến hành chi trả chậm nhất trước ngày 25/12.
Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các bộ, ngành và tỉnh đáp ứng các yêu cầu chính đáng của người dân, như xác nhận hải sản sạch để người dân đưa hàng ra thị trường. Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm công bố thông tin biển miền Trung và hải sản đã hoàn toàn sạch. Đồng thời, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Thủ tướng, như các nhiệm vụ liên quan tới hoạt động nuôi trồng thủy hải sản.
“Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về thống kê, chi trả cho người dân chính xác, công bằng, công khai, minh bạch. Tiền phải đến tay người dân, tuyệt đối không được bớt xén. Tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo về vấn đề này do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đứng đầu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Đơn vị đầu tiên không nợ đọng nhiệm vụ
Nội dung lớn thứ hai của buổi kiểm tra là tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Theo thống kê, từ đầu năm tới nay, tỉnh được giao 153 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 144 nhiệm vụ, còn 9 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng vẫn trong hạn.
“Như vậy, Tổ công tác kiểm tra 10 bộ ngành, địa phương, tập đoàn, thì Quảng Bình là đơn vị đầu tiên không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. Đây là kết quả rất tốt”, Bộ trưởng nói.
Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài giải trình thêm về một số vấn đề như tình hình bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định sản xuất và đời sống người dân sau sự cố môi trường. Cùng với đó là công tác hỗ trợ người dân, khắc phục hậu quả các đợt mưa lũ; việc thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, khai thác cát trái phép.
Liên quan tới chính quyền cơ sở, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Quảng Bình làm rõ một số thông tin liên quan tới các dự án của Tập đoàn FLC trên địa bàn. Đó là việc người dân bức xúc vì quá trình giải phóng mặt bằng, tái định cư, dẫn tới ngăn cản khởi công các dự án này.
Đáng chú ý là thông tin tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, chính quyền đã ép người dân trích lại tiền đền bù từ một dự án để xây dựng nông thôn mới, gây bức xúc trong dư luận.
Trả lời các vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài khẳng định mặc dù tỉnh là 1 trong 2 địa phương được cho phép doanh nghiệp khai thác rừng vì lý do quốc phòng, an ninh, nhưng Quảng Bình là địa phương bảo vệ rừng tốt “nhất nhì” cả nước, tỷ lệ che phủ rừng hiện khoảng 68% thuộc hàng cao nhất cả nước, tuy nhiên vẫn xảy ra một số vụ phá rừng nhỏ lẻ.
Liên quan đến các dự án của FLC, ông Hoài cho biết một số người dân do không hiểu rõ về nhà thầu nên có phản đối dẫn tới việc thi công đình trệ. Hiện tỉnh đã làm công tác tư tưởng, người dân đã đồng ý và dự kiến đầu năm 2017 FLC sẽ triển khai lại.
Ông Hoài cũng thừa nhận việc “ép” người dân trích lại tiền đề bù tại Quảng Phú là có, nhưng việc này do ông Trưởng thôn tự quyết định, số tiền khoảng 300-400 triệu đồng. Hiện tỉnh đã kiểm tra và yêu cầu trả lại người dân.
Tổ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết kết quả kiểm tra và các kiến nghị của tỉnh sẽ được Tổ công tác báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ sắp diễn ra.