ThienNhien.Net – Những chiếc xe tải hạng nặng được hoán cải để chở than đã hoạt động nhiều tháng nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, qua mặt nhiều cơ quan chức năng. Điều đáng nói, vấn nạn khai thác, mua bán than trái phép than đang diễn biến phức tạp và được hộ trợ tích cực bởi xe “công ben”, phương tiện lai có một không hai này.
Nhận diện xe “công ben”
Trong các bài viết phản ánh về tình trạng xe quá tải tung hoành trên tỉnh lộ 388 (nay được đặt tên là Quốc lộ 17B) nối Quốc lộ 5 với Quốc lộ 18, Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh về sự xuất hiện của một loại phương tiện “lai” giữa xe sơ-mi rơ mooc và xe tải tự đổ (xe tải ben) với thùng hàng là một chiếc container từ 20ft đến 40ft. Loại xe cực dị này xuất hiện ngày càng nhiều, thế chỗ cho những chiếc xe ben “hổ vồ” (Howo) hạng nặng làm nhiệm vụ vận chuyển một loại mặt hàng phổ biến ở Quảng Ninh, đó là than.
Đối với một người bình thường, thậm chí là cả các công chức nhà nước làm việc trong lĩnh vực quản lý giao thông thì việc nhận diện ra loại phương tiện này không phải là dễ dàng bởi sự khó phân biệt loại phương tiện hoán cải này với các loại xe sơmi – rơmooc chở hàng bằng container.
Theo ông Nguyễn Tá Duân, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, trong thời gian kiểm soát tải trọng tại trạm cân di động đặt ở thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, lực lượng thanh tra giao thông đã kiểm tra và phát hiện ra 3 chiếc xe loại này, lúc đó lực lượng chức năng mới biết về sự tồn tại của xe “công ben”.
Thực tế, số lượng phương tiện lai kỳ dị này không chỉ có 3 chiếc là vài chục chiếc. Theo một người dân làm dịch vụ rửa xe trên đường tỉnh lộ 328, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh thì tỉnh Quảng Ninh có vài chục chiếc xe loại này. Một người quản lý cảng than Gia Đức (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng xác nhận, có khoảng 7 đến 10 chiếc “công – ben” thường xuyên vận chuyển than từ Quảng Ninh đến giao hàng ở cảng than Gia Đức.
Để nhận biết loại xe này, chúng tôi đã được một thợ sửa chữa ô tô tiết lộ những đặc điểm dễ nhận biết của chiếc xe lai “độc và dị” này. Đó là ống bơm dầu được gắn từ đầu kéo đến trục bơm ben thủy lực được sử dụng để nâng thùng container và đổ như một chiếc xe tải tự đổ. Đây là kết cấu kỹ thuật mà không một chiếc xe sơ mi rơ mooc chở hàng bằng containter nào có. Đối với các loại xe container bình thường, do không sử dụng trục bơm ben thủy lực nên chỉ có các dây dẫn khí nén để phục vụ cho hoạt động của hệ thống thắng (phanh) của xe.
Ngoài ra, những chiếc thùng container cũng được “độ” bằng việc gia cố khung xương thép phía trong để đảm bảo khả năng chịu lực như một thùng ben khi chiếc xe thực hiện việc nâng hạ và tự đổ hàng. Những chiếc thùng hàng này chuyên được sử dụng để chở than nên cũng rất dễ phát hiện vì nó thường bị biến dạng và méo mó.
Việc cải tạo một hệ thống sơmi – rơ mooc thành một chiếc xe tải tự đổ bằng thùng container có hợp pháp hay không? Theo ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Dương thì đây là việc hoán cải phương tiện cơ giới không được pháp luật cho phép. Theo Luật sư Nguyễn Minh Anh thì đây là loại xe được hoán cải trái với quy định tại Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu chắc cũng phải “bó tay” với kiểu “phối trộn” đầu đuôi, thành thùng để tạo ra chiếc xe lai kỳ dị này.
Những chuyến du hành ngoài vòng pháp luật
Sự xuất hiện của những chiếc xe hạng nặng “công ben” hẳn là phải có lý do của nó. Vậy, những chiếc xe lai này được tạo ra để làm gì? Theo dấu bánh lăn của những chiếc xe này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã dần tìm ra câu trả lời. Đó chính là vận chuyển than đá từ các khu mỏ ở Quảng Ninh đi “bán lẻ” ở Hải Dương và Hải Phòng, thay thế cho những chiếc thùng ben của xe tải tự đổ vì những chiếc xe này dễ bị phát hiện là vận chuyên than và thường xuyên bị kiểm tra tải trọng.
Vì được sử dụng để vận chuyển than nên tuyến đường mà những chiếc xe “công ben” hoạt động chủ yếu là từ Thành phố Cẩm Phả, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) đến các cảng tập kết than trên sông Đá Vách, sông Đá Bạc (Thủy Nguyên, Hải Phòng), cảng than tại khu vực cầu Đá Vách, câu Hiệp Thượng (Kinh Môn) và bãi than của Công ty Phú Minh (thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, Hải Dương). Xuất phát từ các điểm khai thác than tại Cẩm Phả, Hoành Bồ, những chiếc xe “công ben” này theo tuyến đường 328 đi quốc lộ 18, quốc lộ 10 và quốc lộ 17B. Trong đó, khu vực nhận hàng mà phóng viên ghi nhận được chính là khu vực đường vành đai phía Bắc thành phố Hạ Long, thuộc địa phận xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ.
Ngày 14/12/2016, tại địa điểm thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty TNHH MTV Môi trường xanh INDEVCO, liền với dự án nghĩa trang An Lạc Viên, phóng viên đã ghi nhận sự ra vào tấp nập của nhiều chiếc xe lai “công ben”. Những chiếc thùng container không có nóc cho thấy những chiếc xe này đến đây để nhận hàng là than và vận chuyển khoảng 85km để trả hàng tại Hải Dương hoặc Hải Phòng theo lộ trình trên.
Theo chân chiếc “công ben” có biển kiểm soát rơmooc 15R-12.053 một hành trình dài 85km từ xã Vũ Oai đến thị trấn Phú Thái, với rất nhiều trạm kiểm tra, giám sát về tải trọng, giám sát chấp hành pháp luật về giao thông nhưng phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận, chiếc xe này vẫn hoàn toàn không bị kiểm tra. Phải chăng, với sự ngụy trang khéo léo giống như một chiếc xe container bình thường nên chiếc xe lai này đã vượt qua sự kiểm tra của các cơ quan chức năng từ Hoành Bồ, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều (Quảng Ninh) đến Kinh Môn (Hải Dương)?
Xe hoán cải trái pháp luật, vận chuyển than – mặt hàng rất nhạy cảm, nhưng những chuyến du hành “ngoài vòng pháp luật” của chiếc xe lai kỳ dị này vẫn “bình an”, mang lại khoản lợi nhuận kếch xù cho chủ phương tiện và cả những người có hàng để bán. Bao giờ thì những chiếc xe tải hạng nặng bị vạch mặt, bị xử lý lỗi hoán cải phương tiện và kiểm tra tải trọng để những chuyến du hành ngoài vòng pháp luật này chấm dứt?. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin trong các số báo tiếp theo.