ThienNhien.Net – Suốt một thời gian dài, hàng loạt các đồi cát sạn trên địa bàn thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La bị khai thác ồ ạt, bất chấp các quy định của pháp luật. Hàng ngày, hàng trăm xe tải hạng nặng chở khoáng sản đi bán, san lấp hoặc đổ bê tông trên khắp địa bàn huyện Mộc Châu. Suốt mấy năm qua, hàng trăm tỷ tiền thuế, tiền khoáng sản chủ yếu lọt vào tay các “đầu nậu”, còn nhà nước thì thất thu.
Có hay không việc tiếp tay, bao che của một số lực lượng chức năng ở địa phương, hay họ móc ngoặc với nhau để kiếm chác? Trách nhiệm của ông Hà Trung Chiến, nguyên Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu đến đâu?
Táo tợn và thách thức
Bà Nguyễn Thị Hương, nhà ở ven đường QL6 bức xúc cho biết: hàng ngày, hàng trăm xe tải lớn nhỏ kéo vào các tiểu khu ở đây để xúc loại cát sạn này đi. Nhiều lúc chở ra đường không che đậy gì cả, rơi vãi linh tinh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nhiều chiếc xe còn không chằng bạt, cứ thế “phi bạt mạng” mà không thấy lực lượng Cảnh sát giao thông hay Thanh tra giao thông của tỉnh Sơn La xử lý. Họ toàn đi xử lý những việc đâu đâu ấy.
Không chỉ bức xúc về nạn rơi vãi cát sạn ra đường, bà Hương còn cho biết thêm, ở đây, nhiều gia đình giầu “nứt đố, đổ vách” nhờ khai thác loại khoáng sản này. Họ tuy hay phải đối mặt với bụi bặm nhưng nhà nào cũng có vài con máy xúc, máy nghiền. Suốt ngày bán khoáng sản như vậy mà không phải mất một loại thuế nào. Hậu quả mà những chủ bãi này gây ra thì vô cùng lớn. Nhiều con đường trong các tiểu khu bị băm nát, bụi bặm… trước sự thờ ơ, phó mặc của các cấp chính quyền huyện Mộc Châu.
Trong vai một chủ thầu công trình, phóng viên tìm đến một số khu mỏ khai thác cát lộ thiên ở các tiểu khu 3/2, tiểu khu Bó Bun trên địa bàn thị trấn nông trường Mộc Châu để tìm hiểu thực tế. Vào mỏ nhà một đầu nậu tên là Công, có vợ đang lái máy xúc ở đây, chị này hỏi rồi giới thiệu: Thế chú muốn lấy loại cát nào? Ở đây phần đa họ đều lấy loại cát sạn này để đi làm các công trình đấy. Giá ở đây bán từ 100 ngàn/m3 trở lên, tùy loại cát. Cát đây lấy từ đồi xúc ra, cho lên dàn máy nghiền lại cho mịn. Cứ thế là xúc đi bán.
Chị này cũng cho biết thêm, ở đây, khu vực này chả riêng nhà chị khai thác cát, mà còn có hàng loạt các nhà khác như nhà anh Cường, chị Tâm… cũng đều khai thác cả. Khi hỏi đến nhu cầu về hóa đơn mua hàng thì chị này thú nhận, có doanh nghiệp, có thể xuất hóa đơn, nhưng không thể ghi là xuất cát được vì không có giấy phép. Khi được hỏi, khai thác cát không có giấy phép, không sợ công an môi trường, công an kinh tế hay lực lượng tài nguyên môi trường bắt à, chị này thản nhiên cho hay “Làm gì cũng phải có “luật” của nó!”.
Rời khu vực bãi của nhà ông Công, ông Cường ở đây, phóng viên đi quanh một số khu đồi cát ở ngay thị trấn nông trường Mộc Châu này thì thấy: nạn khai thác loại khoáng sản cát sạn này là khá phổ biến. Hàng loạt các quả đồi cát ở đây đều không có giấy phép khai thác. Điều lạ, không có giấy phép nhưng các “chủ bưởng” đều thản nhiên cho máy xúc, máy nghiền ồ ạt khai thác bán lấy tiền chia nhau, không coi pháp luật ra gì.
“Đùn đẩy vì lợi ích nhóm”
Rộng đường dư luận, phóng viên tìm đến UBND huyện Mộc Châu để làm rõ sự việc. Gặp ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng UBND huyện Mộc Châu, phóng viên đề nghị gặp lãnh đạo UBND huyện để làm rõ một số nội dung như: tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện, một số công trình tiêu thoát lũ mới làm đã nứt hỏng, đổ nứt vào nhà dân, rồi chuyện biến hóa từ bãi đỗ xe thành quán karaoke… Thay vì nghiêm túc, trả lời các phóng viên theo đúng quy định của Luật Báo chí thì ông Trường lại “đánh võng” phóng viên. Ông này kể lể rằng đây là huyện biên giới nên muốn tuyên truyền gì thì phải sang Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mộc Châu để xin ý kiến rồi ông này mới sắp xếp lịch. Nói xong, ông này “khiếm nhã” bỏ đi với lý do bận.
Qua điều tra tận mắt tại hiện trường, phóng viên nhận thấy: loại khoáng sản cát sạn này thực chất là loại si-lic phong hóa ở thể cứng, có thể dùng được nhiều việc. Cứ nghiền tinh ra thì thành cát, có thể mang đi xây dựng, trát tường, làm các công trình được. Còn nếu để ở dạng sạn lớn thì có thể dùng để đóng gạch không nung, san lấp mặt bằng, làm đường giao thông nông thôn…. Tại bãi, các chủ bãi đã bán với giá 100 ngàn đồng/khối. Hàng ngày, với tốc độ xúc cật lực thì mỗi bãi có thể khai thác đến cả nghìn khối. Bán ra với giá như vậy, mỗi ngày, hàng trăm triệu lọt vào tay tư nhân mà các chủ bãi không hề mất một đồng tiền thuế nào nhà nước.
Điều lạ là mặc dù là thản nhiên ăn cắp khoáng sản, nhưng các chủ nậu này không hề sợ hãi hay lén lút gì cả. Máy cứ nghiền, cứ xúc suốt đêm ngày trước sự bất lực của các lực lượng chức năng.
Phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Phạm Đức Chính, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu về một số vấn đề còn tồn tại ở địa phương. Ông Chính thừa nhận, đúng là tình trạng khai thác khoáng sản không phép nó có tồn tại từ thời kỳ trước để lại. Về phía UBND huyện cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu Công an huyện Mộc Châu, Phòng Tài nguyên Môi trường kiên quyết xử lý nghiêm vấn nạn trên.
Tiếp tục điều tra, phóng viên được biết: thực tế, nạn khai thác khoáng sản trái phép này rầm rộ mạnh và nhiều nhất là thời kỳ ông Hà Trung Chiến làm Chủ tịch, sau đó tiếp diễn đến nay. Và cả bây giờ, lúc ông Chiến sang làm Bí thư Huyện ủy Mộc Châu thì nạn khai thác vẫn còn mà không hề thuyên giảm. Các mức phạt mà Phòng Tài nguyên Môi trường cũng cấp chỉ như “muối bỏ biển” so với khối lượng khoáng sản bị “ăn cắp”.
Ai chống lưng, bao che cho chủ nậu khai thác khoáng sản rầm rộ trên địa bàn thị trấn nông trường Mộc Châu một cách công khai, ngang nhiên như vậy? Có hay không việc bao che nhau để cùng “hưởng lợi” từ đây? Ai phải chịu trách nhiệm khi để nạn khai thác khoáng sản kéo dài trong nhiều năm liền, để rồi thất thoát tài sản, khoáng sản, tiền bạc của Nhà nước?
Trao đổi với luật sư Hà Thị Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về sự việc trên, luật sư Thanh phân tích: Việc ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng huyện Mộc Châu “đổ vấy” trách nhiệm sang Ban Tuyên giáo Huyện ủy là hành động thiếu tinh thần trách nhiệm với công việc, cũng như làm ăn tắc trách và có động cơ không tốt. Bởi, nhiệm vụ của mình, ông Trường phải báo cáo lên lãnh đạo UBND huyện xin ý kiến rồi báo lại cho các phóng viên biết chứ không thể đùn đẩy và không thể trả lời kiểu cho xong rồi bỏ đi phòng khác là không được, hoặc có thể là có “lợi ích” ở đây nên ông này ỉm đi. “Việc này UBND huyện Mộc Châu cần sớm làm rõ trách nhiệm”, luật sư Thanh nhấn mạnh.
Mọi diễn biến của nạn khai thác khoáng sản trái phép ở đây, Báo Xây dựng sẽ tiếp tục phản ánh.