Bài 2: Bất cập trong quản lý, thu gom và xử lý
ThienNhien.Net – Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong quản lý, thu gom và xử lý chất thải y tế đã đến mức báo động, nhưng các cơ quan chức năng lại khá lúng túng trong xử lý vi phạm và còn nhiều bất cập. Nguyên nhân chính do các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng chưa phối hợp chặt chẽ và chưa thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc thu gom, xử lý chất thải y tế độc hại.
Mầm bệnh từ chất thải chưa được kiểm soát
Trong vai những người thăm người bệnh, chúng tôi đi khắp lượt các khoa, phòng, khuôn viên Bệnh viện (BV) Đa khoa và BV Sản – Nhi tỉnh Bắc Giang để tìm hiểu quy trình thu gom chất thải. Đối với rác sinh hoạt, thông thường luôn có nhân viên vệ sinh của BV quét dọn, thu gom hai lần/ngày, chuyển rác về điểm tập kết bằng xe đẩy, chờ xe thùng đến chuyển đi. Phần lớn chất thải y tế sau đó được chuyển đến xử lý ở bãi rác Đa Mai như rác thải sinh hoạt thông thường. Đối với số chất thải y tế được phép tái chế, BV Đa khoa Bắc Giang đã bán cho một đơn vị tư nhân chở đi đâu không rõ!?
Được biết, Công ty môi trường đô thị tỉnh Bắc Giang và bãi xử lý rác Đa Mai đều không có chức năng thu gom, xử lý chất thải y tế theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30-11-2007 của Bộ Y tế. Quyết định này nêu rõ: “Các cơ sở y tế ký hợp đồng với cơ sở có tư cách pháp nhân trong việc vận chuyển và tiêu hủy chất thải. Trường hợp địa phương chưa có cơ sở đủ tư cách pháp nhân vận chuyển và tiêu hủy chất thải y tế thì cơ sở y tế phải báo cáo với chính quyền địa phương để giải quyết”. Như vậy, có thể khẳng định, tất cả số chất thải y tế mà hai BV nêu trên thải ra hằng ngày đều không được xử lý đúng quy trình, phát sinh mầm bệnh nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân từ nguồn ô nhiễm chất thải độc hại này.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, tổng số chất thải y tế trên địa bàn tỉnh mỗi năm là gần hai nghìn tấn, trong đó có khoảng 400 tấn chất thải nguy hại. Cũng theo báo cáo này, quy trình xử lý chất thải rắn của các cơ sở y tế đều sử dụng công nghệ lò đốt hai buồng, có công suất nhỏ và không thể xử lý triệt để các chất thải nguy hại. Do vậy, lò đốt thường xuyên không hoạt động. Hơn nữa, lò đốt nằm trong khuôn viên BV, gần khu dân cư, lượng khói bụi gây ô nhiễm nặng cho nên khi vận hành thường gặp sự phản đối của người dân. Tất cả các lò đốt hiện được trang bị tại các BV trong tỉnh cũng đều không có kiểm định chất lượng công nghệ. Một số lò đốt do không vận hành thường xuyên, hoặc khi vận hành quá tốn kém cho nên đã ngừng hoạt động từ lâu. Hầu hết các BV đều “nhờ” xe của công ty môi trường đô thị chuyển đến bãi rác. Chất thải y tế sau đó được xử lý thế nào, cả ngành y tế lẫn môi trường đều không nắm được. Mà kể cả nếu có, thì việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế như rác thải sinh hoạt thông thường cũng đã là trái quy định về xử lý chất thải của Bộ Y tế. Rõ ràng, nhiều điểm được quy định tại Quyết định số 43 của Bộ Y tế đã không được thực hiện đúng, đó là “Các chất thải y tế nguy hại không được để lẫn trong chất thải thông thường. Nếu vô tình để lẫn chất thải y tế nguy hại vào chất thải thông thường thì hỗn hợp chất thải đó phải được xử lý và tiêu hủy như chất thải y tế nguy hại”.
Hiện nay, tất cả các BV trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều có lò đốt chất thải nhưng số thì hoạt động cầm chừng, số thì hư hỏng không sử dụng được. “Nơi nào có lò đốt thì gom rác lại để ở cái kho, ba, bốn ngày mới đốt một lần, nơi không có thì đi nhờ xử lý. Chất thải rắn thì vậy, nước thải còn đáng lo hơn, hầu hết nước thải từ các hoạt động trong BV đều xả thẳng ra hệ thống cống thoát vệ sinh đô thị thành phố mà chưa qua bất kỳ hình thức xử lý nào”. Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang Trần Văn Sinh cho biết.
Các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm
Liên quan những vi phạm của Công ty Bảo Ngọc, ngày 5-10-2016, Công an tỉnh Bắc Ninh đã có Văn bản số 1995CAT-(PC49) gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh nêu rõ, Công ty Bảo Ngọc đã thực hiện các hành vi vi phạm sau: Không phân loại chất thải, để lẫn chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ đơn chiếc vào chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường; không thực hiện đúng nội dung trong cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận như không quan trắc, giám sát môi trường theo đúng tần suất quy định hai lần/năm. Cụ thể, năm 2015 có quan trắc một lần, nhưng cho đến nay không tiến hành quan trắc, giám sát môi trường thêm lần nào; không có bản cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định đối với bãi tập kết chất thải y tế của công ty; xây dựng xưởng để sơ chế chất thải trên phạm vi đất bảo vệ hành lang đê sông Ngũ Huyện Khê. Đối với các hành vi vi phạm nêu trên của Công ty Bảo Ngọc, thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh. Công an tỉnh Bắc Ninh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận toàn bộ hồ sơ liên quan đến hành vi vi phạm của Công ty Bảo Ngọc và 90.280 kg chất thải y tế đang lưu giữ tại Công ty TNHH môi trường VK có địa chỉ tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi nhận được văn bản nêu trên, ngày 10-10-2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh có Văn bản trả lời số 1254/CV-TNMT gửi Công an tỉnh Bắc Ninh, cho rằng: Tại Điều 54, khoản 2 của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: “Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại điều, khoản nào của Nghị định này thì chỉ được thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trong phạm vi các điều, khoản đó của Nghị định này quy định; trường hợp phát hiện cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì phải thông báo và phối hợp ngay với cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hành vi đó để kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”. Khi Công an tỉnh phát hiện hành vi vi phạm của Công ty Bảo Ngọc không thuộc thẩm quyền của Công an tỉnh, nhưng không thông báo và phối hợp ngay với cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hành vi đó để kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, mà đã chủ trì thực hiện kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường đối với Công ty Bảo Ngọc là không đúng quy định của pháp luật. Từ căn cứ nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường không tiếp nhận hồ sơ liên quan đến hành vi vi phạm của Công ty TNHH Bảo Ngọc. Đối với khối lượng chất thải y tế nêu trên đang lưu giữ tại Công ty TNHH môi trường VK là tang vật thu được qua quá trình điều tra phòng, chống tội phạm về môi trường, đề nghị Công an tỉnh xử lý tang vật theo đúng quy định của pháp luật…
Nhằm tăng cường quản lý chất thải y tế trong phạm vi bệnh viện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Hà cho biết: Thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành “Quy chế quản lý chất thải y tế” quy định rõ việc phân loại, xử lý ban đầu, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải y tế. Hằng năm, Bộ Y tế tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý chất thải tại các BV. Kết quả kiểm tra cho thấy, vẫn có lãnh đạo BV chưa thường xuyên quan tâm, buông lỏng quản lý công tác này.
Cần thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp
Cả nước hiện có hơn 13 nghìn cơ sở y tế các loại từ trung ương đến địa phương bao gồm: cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và trạm y tế xã, phường, thị trấn. Các cơ sở y tế đều đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải y tế từ đơn giản đến hệ thống xử lý nước thải quy mô nhưng nhiều hệ thống đã quá tải, xuống cấp hoặc chưa đạt yêu cầu. Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay mới có hơn 60% số BV có hệ thống xử lý nước thải y tế đạt yêu cầu. Hằng năm, Bộ Y tế đều tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường và địa phương để kiểm tra công tác quản lý chất thải y tế tại các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị có vi phạm chấn chỉnh, khắc phục ngay những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý chất thải y tế và báo cáo kết quả khắc phục về Bộ Y tế.
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều BV vẫn xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình quản lý, vận chuyển, xử lý chất thải y tế. Nguyên nhân của tình trạng này là do: Các cơ sở y tế không quản lý đúng theo quy định đối với các chất thải y tế phát sinh tại đơn vị; thiếu kinh phí để đầu tư, xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu. Công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng địa phương chưa được thực hiện thường xuyên. Lãnh đạo các cơ sở y tế và chủ cơ sở vận chuyển, xử lý chất thải y tế bên ngoài cơ sở y tế chưa nghiêm túc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Cán bộ y tế chưa nâng cao ý thức về quản lý chất thải y tế; người bệnh, người nhà người bệnh chưa được phổ biến, hướng dẫn về phân loại đúng chất thải y tế. Một số đơn vị (kể cả các đơn vị có chức năng phù hợp) trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế đã thực hiện không đúng các quy định để giảm chi phí xử lý hoặc đưa đi tái chế những loại chất thải y tế không được phép. Các cơ quan quản lý còn gặp khó khăn trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở xử lý, tái chế chất thải, nhất là các cơ sở tại các làng nghề. Một số địa phương hiện nay chưa ban hành kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại cho phù hợp tình hình địa phương dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý. Nhận thức về công tác bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải y tế nói riêng của một số chủ nguồn thải, chủ thu gom, xử lý chất thải và của cộng đồng còn chưa phù hợp yêu cầu hiện nay, dẫn tới những vi phạm và phát hiện các vi phạm trong quá trình hoạt động quản lý chất thải y tế phát sinh…
Để tăng cường quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Hà đề xuất các biện pháp cụ thể sau: Cần tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản, chính sách liên quan quản lý chất thải y tế; xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật về xử lý chất thải y tế phù hợp từng loại hình cơ sở y tế; huy động nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế; triển khai đối tác công tư trong quản lý và xử lý chất thải y tế nhằm huy động sự tham gia của các nguồn lực xã hội; tăng cường truyền thông, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường tới tất cả các cán bộ ngành y tế, người bệnh, người nhà người bệnh nâng cao nhận thức, thực hành phân loại đúng chất thải y tế, giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường bệnh viện. Quy trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế trong việc thực hiện quản lý chất thải y tế tại đơn vị; đưa kết quả thực hiện về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường vào nội dung đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng hằng năm của cơ sở y tế; tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình xử lý chất thải y tế, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải y tế phù hợp theo định hướng áp dụng công nghệ mới bảo đảm tính thân thiện với môi trường trên cơ sở khối lượng, thành phần của chất thải y tế phát sinh, điều kiện mặt bằng xây dựng, phù hợp khả năng tài chính của cơ sở y tế và bảo đảm quy chuẩn quốc gia về môi trường; phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải y tế; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cơ sở y tế.
Để xử lý triệt để chất thải y tế nguy hại trong tương lai, Cục trưởng Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền đề ra một số giải pháp đã và đang thực hiện như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm ban hành các quy định cụ thể liên quan tới quản lý đối với chất thải y tế thông thường theo hướng phù hợp đối với loại chất thải này để vừa đạt được mục đích quản lý đồng thời không hạn chế về điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường năng lực cho các đơn vị xử lý chất thải nguy hại nói chung và chất thải y tế nói riêng.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, công tác quản lý chất thải y tế trong phạm vi BV do người đứng đầu BV chịu trách nhiệm; việc vận chuyển và xử lý chất thải bên ngoài khuôn viên BV thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường; UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn. |
Bài 1: Cần kiểm soát chặt chẽ quy trình xử lý chất thải y tế