ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, trên vịnh Hạ Long vẫn xuất hiện hàng trăm chiếc tàu của bà con ngư dân sử dụng kích điện để đánh bắt cá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển và làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản. Việc sử dụng kích điện để khai thác thủy sản trên Vịnh Hạ Long đã bị cấm và có chế tài xử phạt nhưng thực trạng khai thác kiểu “tận diệt” này vẫn tồn tại mà chưa được xử lý triệt để.
Dạo quanh 1 vòng trên Vịnh Hạ Long, chúng ta vẫn bắt gặp nhiều tàu cá của bà con ngư dân sử dụng kích điện để đánh bắt hải sản. Những chiếc tàu này thường đi chậm, phía đuôi thuyền có nhiều dây, trong đó có 1 dây diện cỡ to cắm thẳng xuống biển. Mỗi lần tàu chậm lại và kéo theo một đống lưới phía sau để vớt hải sản khi bị điện giật.
Anh Nguyễn Xuân Phương, người dân sống trên Vịnh cho biết: “Gần như tàu nào cũng dùng kích điện vì như vậy mới bắt được nhiều cá. Mặc dù biết là cấm nhưng họ vẫn làm, chỉ những tàu nhỏ, máy nhỏ họ mới không dùng điện còn tàu to là toàn đánh điện”.
So với kiểu đánh bắt cá truyền thống, việc sử dụng kích điện để đánh bắt cá không mất sức lao động mà lại cho năng suất gấp nhiều lần. Các tàu cá chỉ cần trang bị một bộ kích điện, hai đầu dây được đấu nối với hai điện cực khác nhau để tạo điện trường trong nước, tàu càng lớn thì bộ kích điện càng khỏe, sức ảnh hưởng dưới mặt nước sẽ rộng hơn. Một đợt kích điện khoảng 2 tiếng và liên tục trong cả ngày và đêm. Như vậy, sẽ có hàng trăm kg hải sản bị tận diệt trong một lần tàu ra Vịnh.
Một người dân sống tại làng chài trên vịnh Hạ Long cho biết: “Cá cứ tầm 5 – 7kg là chết co giật hết, còn những con cá trứng, tôm, tép là chết hết nên là nguồn cá tôm này vãn đi, ít đi nhiều, không còn như ngày xưa. Bây giờ họ cứ đánh toàn điện không mà số lượng một ngày lại đông như vậy thì nguồn hải sản phải vãn, hết dần đi”.
Dù đã có chế tài xử phạt đối với hành vi khai thác thủy, hải sản bằng kích điện nhưng với những lợi nhuận từ việc khai thác này thì những người ngư dân vẫn bất chấp để vi phạm.
Trung tá Phạm Ngọc Trường, Đội trưởng đội phòng chống tội phạm, Phòng cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trong quá trình bắt giữ, các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn cất giấu dụng cụ, phương tiện, dùng để đánh bắt thủy hải sản trái phép. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng sẵn sàng vứt bỏ các dụng cụ kích điện này xuống biển để phi tang, thậm chí có một số trường hợp còn chống đối lại lực lượng chức năng. Địa hình trên biển rất phức tạp, các đối tượng thường lợi dụng các luồng lạch, đảo núi, để hoạt động vi phạm nên đều phải tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát được chặt chẽ hơn”.
Theo ghi nhận của phóng viên, các thuyền đánh bắt hải sản trên vịnh Hạ Long hầu như không có biển số, ký hiệu. Chỉ có một số ít trong đó có biển kiểm soát nhưng cũng nhòe nhoẹt hoặc biến dạng.
Trung tá Phạm Ngọc Trường cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho công tác xử lý hành vi đánh bắt thủy sản trái phép trên vùng Vịnh Hạ Long chưa được triệt để là do chế tài xử phạt còn nhẹ, nhận thức pháp luật của ngư dân còn hạn chế dẫn tới vi phạm tái diễn. Rất nhiều trường hợp tái phạm nhiều lần.
Trung tá Phạm Ngọc Trường khẳng định: “Trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên Đán, chúng tôi tăng cường các biện pháp giáo dục quần chúng nhân dân, tuyên truyền pháp luật, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ các đối tượng sử dụng kích điện để xử lí theo quy định của pháp luật”.
Việc “tận thu” hải sản trên Vịnh Hạ Long đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cảnh quan, nguồn lợi thuỷ sản bị cạn kiệt. Từ thực trạng đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về thực hiện các quy định của nhà nước liên quan đến lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản để không còn tình trạng khai thác thủy, hải sản kiểu “tận diệt” tái diễn trên Vịnh Hạ Long – nơi được hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.