ThienNhien.Net – Cả nước hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó 337 bãi rác lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ từ rác.
Có hơn 100 bãi đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ có nguy cơ phát sinh khí độc, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, mỗi năm phát sinh hơn 23 tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp và hơn 17.000 tấn chất thải y tế nguy hại. Áp lực vệ sinh môi trường ngày càng tăng trong khi bộ máy quản lý còn phân tán, thiếu đồng bộ và bộc lộ nhiều “lỗ hổng”.
Tư tưởng coi trọng thu hút đầu tư bằng mọi giá, coi nhẹ bảo vệ môi trường khá phổ biến trong các cấp, các ngành, nhất là ở địa phương. Nhiều dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên, công nghệ sản xuất lạc hậu dẫn đến sức ép lên môi trường, đặc biệt khi Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ của các nước. Nghiêm trọng hơn, hàng trăm khu công nghiệp, làng nghề chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ở các đô thị, tình trạng cũng bi đát không kém.
Nước thải sinh hoạt, các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng chưa được xử lý “thoải mái” xả thẳng xuống hồ, ao, kênh mương, sông rạch khiến nguồn nước mặt ô nhiễm nặng nề. Mặc dù đã có các quy định pháp luật “trói” trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, kể cả ký cam kết, khắc phục sự cố, song thực tế cho thấy, có tới 50% doanh nghiệp vi phạm, thậm chí có những doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn cho phép, cố tình xả trộm ra môi trường.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, tại Diễn đàn môi trường và phát triển bền vững vừa diễn ra, các chuyên gia nhất trí đề xuất quy định mới có thể được áp dụng trong trường hợp các doanh nghiệp gây ô nhiễm, làm suy thoái môi trường, nếu không đạt được thỏa thuận bồi thường thì UBND huyện, tỉnh hoặc Bộ TN-MT có thể khởi kiện doanh nghiệp.
Việc khởi kiện thực ra là hình thức cao nhất trong các hình thức giải quyết bồi thường. Vì đây là quy định mới nên chưa ghi nhận trường hợp nào, tuy nhiên, Bộ TN-MT cùng các bộ, ngành liên quan đang gấp rút xây dựng các văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai hiệu quả chính sách cấp bách này.
Ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành điểm “nóng”, nỗi bức xúc kéo dài ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Môi trường sống, môi trường đất đai, nước, không khí ô nhiễm đã đến mức cấp báo. Hậu quả, hệ lụy đã diễn ra ngay trước mắt không phải đợi đến thế hệ con cháu mai sau. Phải nhanh tay cứu ngay môi trường dù đã muộn.