ThienNhien.Net – Mô hình quản lý và bảo vệ rừng (BVR) dựa vào cộng đồng tại Nghệ An đang được người dân ở xã Tam Ðình và xã Xá Lượng (huyện Tương Dương) thực hiện có hiệu quả. Mô hình này không chỉ nâng cao được nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng, mà còn hạn chế tình trạng chặt phá rừng bừa bãi.
Rừng săng lẻ có diện tích hơn 200 ha thuộc địa bàn bản Quang Thịnh (xã Tam Ðình) là rừng nguyên sinh hiếm còn sót lại, được mệnh danh đẹp nhất Ðông Dương, nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền tây Nghệ An. Trước đây, ông Vi Chính Nghĩa, nguyên Bí thư Huyện ủy Tương Dương tình nguyện làm người giữ rừng bằng nguồn hỗ trợ ít ỏi từ ngân sách huyện. Sau khi ông mất, người dân ở bản tiếp nối tinh thần trách nhiệm của vị cán bộ lão thành, cùng với lực lượng kiểm lâm huyện bảo vệ khu rừng săng lẻ quý.
Theo Trưởng bản Quang Thịnh Vi Võ Tuấn, rừng săng lẻ là rừng tự nhiên, cơ bản thuần loài, có diện tích hơn 53 ha vùng lõi. Rừng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí, cảnh quan môi trường, chống đỡ thiên tai, lũ ống lũ quét, sạt lở, với nhiều cây săng lẻ cao 30 – 40m, chu vi trọn vòng tay người ôm. Từ năm 1995, dân bản Quang Thịnh đã xây dựng hương ước giữ rừng săng lẻ, với nội quy, chế tài xử phạt nghiêm ngặt. Năm 2015, bản thành lập tổ BVR gồm 11 người, trong đó có ông Vi Viết Lợi và ông Vi Văn Vĩnh là thường trực BVR, hằng tháng phân công theo nhóm đi tuần tra canh gác. Năm 2015, bằng nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, các thành viên được hỗ trợ thêm 200 nghìn đồng/ha bảo vệ. Liên tiếp nhiều năm, tổ BVR không để xảy ra tình trạng chặt phá, khi có vấn đề nghi vấn kịp thời báo Hạt Kiểm lâm Tương Dương để xử lý…
Chủ tịch UBND xã Tam Ðình Vi Văn Thắng cho biết: “Những năm về trước, công tác bảo vệ rừng săng lẻ chủ yếu mang tính tự nguyện của người dân. Tuy nhiên, bản chỉ có 184 hộ dân, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, việc BVR vẫn chưa thể tập trung. Trăn trở trước thực trạng công tác BVR săng lẻ còn nhiều bất cập, xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người dân địa phương, năm 2014, rừng săng lẻ Tương Dương được chuyển đổi quy hoạch từ rừng sản xuất sang rừng đặc dụng. Ðồng thời, UBND huyện Tương Dương xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng săng lẻ đến năm 2020, giao Hạt Kiểm lâm huyện quản lý.
Trước đây, bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng có rừng đinh hương, thân cây cao vút, có cây đường kính từ 80 đến 100 cm từng bị lâm tặc “xẻ thịt” không thương tiếc. Anh Nguyễn Văn Cường, thành viên đội bảo vệ rừng thôn bản, cho biết: Qua thời gian, người dân bản Cửa Rào 2 đã quyết tâm bảo vệ cho rừng đinh hương tái sinh. Từ năm 1994, bản đã họp bàn và thống nhất bảo vệ rừng đinh hương theo hình thức cộng đồng. Bản đưa ra các quy định, nghiêm cấm, tuyệt đối không cho người vào rừng chặt gỗ làm nhà, tất cả dân bản đều có trách nhiệm phải bảo vệ để rừng tái sinh. Từ năm 2012 đến nay, bản phát hiện nhiều vụ lâm tặc mang cưa xăng vào rừng cưa trộm. Nhờ có nguồn tin báo kịp thời của nhân dân, lực lượng BVR của bản đã phối hợp lực lượng kiểm lâm Tương Dương ngăn chặn. Theo Trưởng bản Cửa Rào Nguyễn Hữu Trung, từ khi cánh rừng tái sinh đinh hương được bảo vệ tốt, nguồn nước trong khe suối chảy ra ổn định, bà con có nước để sản xuất. Ðặc biệt, nhiều năm qua bà con không phải lo nạn sạt lở núi, nhiều khách đi qua quốc lộ 7 đều dừng chân để chụp ảnh, ngắm rừng đinh hương tái sinh.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương Võ Sỹ Lâm cho biết: “Theo kế hoạch, tỉnh Nghệ An sẽ cho xây dựng mới một trạm quản lý BVR ngay tại khu vực có rừng săng lẻ; xây dựng mốc ranh giới khu rừng đặc dụng; làm đường tuần tra kết hợp đường du lịch sinh thái; bố trí kinh phí mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, BVR; cập nhật các thông tin để theo dõi diễn biến khu rừng săng lẻ cần bảo tồn; nghiên cứu đặc tính sinh thái của loài săng lẻ để xây dựng giải pháp thích hợp cho việc bảo tồn và phát triển. Cơ sở để thực hiện thành công các mục tiêu quy hoạch bảo tồn nghiêm ngặt và phát triển bền vững rừng đặc dụng săng lẻ Tương Dương là việc đề ra các giải pháp cụ thể, quyết liệt và đồng bộ. Theo đó, cốt lõi của việc quy hoạch là giữ rừng từ gốc, nghĩa là dựa vào truyền thống, tâm huyết của người dân địa phương đối với việc BVR, từ đó, có những cơ chế hỗ trợ để lan tỏa tinh thần trong toàn cộng đồng”.
Tỉnh Nghệ An đang thực hiện việc quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng săng lẻ Tương Dương đến năm 2020. Theo đó, quyết định bảo vệ nghiêm ngặt 53,58 ha rừng săng lẻ hiện có ở huyện Tương Dương và phục hồi, phát triển rừng đặc dụng hơn 187,75 ha bằng nhiều biện pháp, như bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc và trồng mới. Tỉnh yêu cầu ngành kiểm lâm phối hợp các ngành, địa phương liên quan ngăn chặn triệt để các mối đe dọa đến tài nguyên khu rừng đặc dụng, nhằm bảo tồn rừng săng lẻ hiện có; không làm thay đổi cảnh quan tự nhiên…