Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế: Bao giờ hết cảnh “bầy nhầy” vì thi công?

ThienNhien.Net – Chậm tiến độ, chậm hoàn trả mặt bằng, thi công không đảm bảo an toàn cho người đi đường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị… chỉ là một trong số điểm hạn chế của Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Một công trình đang thi công thiếu biển cảnh báo an toàn.

Khi thi công “câu giờ”

Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế  do Cty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư  nhằm cải tạo nguồn nước trên địa bàn thành phố khỏi nguy cơ bị đe dọa bị ô  nhiễm, tránh ngập úng cục bộ, tăng chất lượng nước của sông Hương.

Đây được xem là dự án trọng điểm của TP Huế về môi trường nước, dự án này do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhận Bản (JICA) tài trợ với kinh phí hơn 24 tỷ yên Nhật (tương đương gần 4.200 tỷ đồng). Dự án sẽ được chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ được thực hiện từ năm 2008 – 2018 với phạm vi thực hiện bao gồm 10 phường ở khu vực phía Nam sông Hương. Giai đoạn 2 sẽ được tiếp tục với việc lập dự án nghiên cứu khả thi, thiết kế chi tiết phát triển hoàn chỉnh hệ thống thoát nước toàn TP Huế.

Tính đến thời điểm hiện tại có 2/6 gói thầu của dự án đã cơ bản hoàn thành và đợi nghiệm thu công trình, các gói thầu khác vẫn đang được triển khai. Mặc dù là một dự án trọng điểm được triển khai ngay trong địa thành  phố với tổng số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng cho đến nay dự án này vẫn đang chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Tại các tuyến đường được triển khai để thực hiện dự án, các đơn vị thi công tiến hành đào đường, san lấp mặt bằng, mặc dù đã thi công xong nhưng mặt bằng tại các địa điểm nói trên vẫn “bầy nhầy” vì chưa được hoàn trả. Tại đường Điện Biên Phủ, mặc dù đã thi công xong nhưng các đơn vị vẫn không hoàn trả lại mặt bằng như cũ mà tạo ra nhiều “cái bẫy” nguy hiểm trên đường.

Tại nhiều tuyến đường đang thi công như Lê Lợi, Lê Hồng Phong, Đặng Huy Trứ… được các đơn vị đào xới, lắp đặt ống cống, khiến bụi bay mịt mờ, biển cảnh báo an toàn sơ sài, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người đi đường.  Trước đó đã có không ít trường hợp các đơn vị thi công che chắn công trình sơ sài khiến các tấm bảng này đè trúng phải người đi đường gây thương tích.

Liên quan đến dự án trọng điểm này, ông Nguyễn Văn Cao – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế từng yêu cầu UBND TP Huế tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai các phương án, giải pháp thi công nhằm đảm bảo chất lượng, không để chậm tiến độ, cũng như đảm bảo các vấn đề về an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Thế nhưng chủ đầu tư và Ban quản lý dự án vẫn “bình chân như vại” trước tiến độ công trình.

Lãnh đạo thành phố nói gì  về dự án nghìn tỷ đồng?

Trong khuôn khổ kỳ họp của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế (nhiệm kỳ 2016-2021), chiều 9/12, ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch UBND TP Huế đã đăng đàn trả lời chất vấn về những vấn đề liên quan đến dự án này.

Theo Chủ tịch UBND TP Huế tính đến nay Dự án đã triển khai được 150km cống chung, 30km cống bao để thu gom nước mưa, xử lý nước thải và 7 trạm bơm để bơm chuyền về nhà máy. Hiện tại, đã có 2/6 gói thầu xây lắp hoàn thành, gồm dự án thoát nước đường Đống Đa và Điện Biên Phủ, dự án công trình cải tạo sông Hói; còn lại các dự án khác đang trong quá trình triển khai thi công ở 11 phường khu vực phía Nam sông Hương, TP Huế, với hơn 80 điểm.

Điều đáng nói rằng, trong thời gian dự án này được triển khai trên địa bàn TP Huế có nhiều đợt mưa lớn khiến nhiều con đường trong thành phố bị ngập cục bộ, cùng với đó là thi công chậm chạp làm ảnh hưởng đến người dân và du khách.

Trả lời cho vấn đề này, người đứng đầu thành phố cho hay các gói thầu đều bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2016, trong khi áp lực thi công buộc phải hoàn thành trong thời gian từ 24 đến 33 tháng. Đến nay, tiến độ chung của dự án mới hoàn thành khoảng 20% khối lượng, chậm so với kế hoạch đề ra, trong lúc đến năm 2018 dự án phải hoàn thành.

Về lý do chậm các hạn mục công trình, ông Thành cho biết, khi Dự án bắt đầu triển khai thì các tiêu chí của Nhật đưa ra khá cao nên chỉ có một công ty tư vấn trúng thầu. Tuy nhiên, khi thương  thảo  hợp đồng thì phía công ty này lại đưa giá quá cao, chính vì vậy việc thương thảo chậm đến một năm rưỡi.

Bên cạnh đó năng lực của nhà đầu tư còn yếu kém, các phương án đưa ra chưa phù hợp với tình hình hình thực tế của Việt Nam, các nhà thầu khi đấu thầu muốn trúng thầu nên bỏ giá thầu thấp. Khi trúng rồi, lúc làm phải tìm nguyên liệu, thiết bị giống như hồ sơ đấu thầu để triển khai nhưng giá thành khó đáp ứng nên chậm. Các phương án phải chuyển lại nhiều lần mất thời gian. Thời tiết ở Huế mưa nhiều cũng là một trong những nguyên nhân làm dự án bị chậm.

“Chúng tôi mong nhân dân thông cảm. Về những tồn tại, chúng tôi hứa sẽ giải quyết, khắc phục. Rất mong các đại biểu hội đồng thông qua các cử tri toàn thành phố chia sẻ và hỗ trợ cho tỉnh, thành phố, ban dự án, đơn vị thi công để thực hiện tốt dự án”, ông Thành khẳng định.

Nguồn: