ThienNhien.Net – Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn, nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2008/NĐ-CP (Nghị định 05) về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV và PTR) và Nghị định số 99/2010/NĐ-CP (Nghị định 99) về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Đây là hai nghị định quan trọng, cùng hướng tới mục đích chung là huy động các nguồn lực của xã hội, đặc biệt của các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMTR để bảo vệ và phát triển rừng gắn với việc xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.
Tác động lớn về kinh tế, xã hội
Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực châu Á thực hiện chính sách mới này. Đến nay, quá trình tám năm tổ chức thực hiện Quỹ BV và PTR gắn với hơn năm năm triển khai chính sách chi trả DVMTR đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực.
Ngay sau khi Nghị định 05 và Nghị định 99 được ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tạo lập được khuôn khổ, hành lang pháp lý khá toàn diện cho việc hình thành hệ thống Quỹ BV và PTR, gắn kết chặt chẽ với chính sách chi trả DVMTR bằng việc ban hành các thông tư, quyết định và nhiều quy định, hướng dẫn cụ thể góp phần thúc đẩy, sớm đưa chính sách vào thực tiễn. Thực tế cho thấy chính sách được đánh giá triển khai có hiệu quả trên cả nước và nhận được sự đồng thuận rất lớn của các cơ quan ban, ngành trung ương, địa phương và mọi tầng lớp nhân dân. Đến nay, toàn quốc đã có 41 tỉnh thành lập Quỹ BV và PTR; trong đó có 38 Quỹ cấp tỉnh đã ổn định bộ máy tổ chức, đi vào hoạt động. Một số địa phương có nguồn thu lớn đã thiết lập hệ thống chi trả cấp huyện (Sơn La đã thành lập 11 chi nhánh Quỹ BV và PTR cấp huyện).
Chính sách chi trả DVMTR đã từng bước thúc đẩy, tạo lập cơ chế thị trường có sự định hướng và thể hiện vai trò điều tiết của Nhà nước; thể hiện mối quan hệ trong giao dịch kinh tế giữa một bên mua là bên sử dụng DVMTR (đối tượng thụ hưởng DVMTR) và bên bán là bên cung ứng DVMTR (chủ rừng). Tính đến ngày 30-6-2016, cả nước đã ký được 464 hợp đồng ủy thác tiền chi trả DVMTR với các cơ sở sử dụng DVMTR. Trên cơ sở các hợp đồng ủy thác ký kết được, nguồn tiền DVMTR của cả nước hằng năm đạt hơn 1.000 tỷ đồng; lũy kế là hơn 5.744 tỷ đồng, từ ba nhóm đối tượng sử dụng DVMTR: cơ sở thủy điện là hơn 5.586 tỷ đồng (chiếm 97,25%), cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch là 149,680 tỷ đồng (chiếm 2,59%), cơ sở du lịch là 8,615 tỷ đồng (chiếm 0,16%). Nguồn tiền DVMTR đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, giúp làm giảm áp lực ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác quản lý và bảo vệ rừng và đóng góp đáng kể vào tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cho bảo vệ và phát triển rừng, cụ thể: Nguồn chi trả DVMTR chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho BV và PTR và tương đương với khoảng 80% vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, đầu tư cho BV và PTR.
Đến nay, tiền DVMTR thu được đã được giải ngân cho chủ rừng và tổ chức không phải chủ rừng cùng hơn 500 nghìn hộ dân đạt tỷ lệ 86,71%, giúp cải thiện thu nhập, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân làm nghề rừng. Đây là những hộ dân sống trong và gần rừng, phần lớn họ là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Số tiền DVMTR mà hộ dân nhận được bình quân chung cả nước khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm, một số hộ đã sử dụng nguồn tiền này để đầu tư sản xuất nông nghiệp, nuôi con ăn học, tạo sinh kế ổn định và nâng cao đời sống. Hiện tại, tiền chi trả DVMTR chưa hoàn toàn đáp ứng giá trị sức lao động và nhu cầu sống tối thiểu của người dân, nhưng đã thật sự có ý nghĩa, nhất là đối với những hộ nghèo, góp phần xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở miền núi.
Bên cạnh đó, nguồn tiền chi trả DVMTR bình quân khoảng hơn 1.000 tỷ đồng/năm đã giúp giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động cho 199 ban quản lý rừng, 84 công ty lâm nghiệp, 650 chủ rừng là tổ chức và tổ chức không phải là chủ rừng và hàng trăm nghìn hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng trong bối cảnh Chính phủ có chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; giúp các công ty nông, lâm nghiệp đứng vững, duy trì, khôi phục sản xuất, có kinh phí hoạt động và hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng trong thời gian thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Nguồn tiền DVMTR hằng năm đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ cho hơn 5 triệu ha rừng trong các lưu vực cung ứng DVMTR (chiếm tỷ lệ khoảng 38% tổng diện tích rừng hiện có), góp phần làm giảm 32,9% số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và 58,2% diện tích rừng bị thiệt hại trên toàn quốc so với giai đoạn trước khi thực hiện chính sách.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách
Mới đây, ngày 2-11-2016, Nghị định số 147/2016/NĐ-CP (Nghị định 147) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 được Chính phủ ban hành đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc nảy sinh thời gian qua như: Đơn giá chi trả tiền DVMTR được điều chỉnh tăng lên là 36 đồng/kw giờ điện thương phẩm đối với các cơ sở sản xuất thủy điện (so với mức quy định cũ là 20 đồng/kw giờ) và 52 đồng/m3 nước thương phẩm đối với các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch (so với mức quy định cũ là 40 đồng/m3). Như vậy, với mức chi trả mới này, thu nhập của người dân từ DVMTR tăng lên trung bình từ 1,7-1,8 lần/ha/năm. Ngoài ra, Nghị định 147 cũng cho phép mở rộng đối tượng sử dụng kinh phí dự phòng, căn cứ tình hình thực tiễn để chủ động, linh hoạt điều tiết tiền DVMTR giúp giảm bớt sự chênh lệch mức chi trả giữa các khu vực… Nghị định 147 được ban hành đã thể hiện sự đồng thuận lớn của toàn xã hội đối với chính sách, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các bên liên quan được bảo đảm. Không chỉ là việc gia tăng nguồn thu tiền DVMTR hằng năm mà số tiền người dân tham gia bảo vệ, cung ứng DVMTR nhận được hằng năm cũng tăng lên, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, cải thiện thu nhập, sinh kế, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo miền núi; giúp họ có thêm động lực tham gia giữ rừng, bảo vệ rừng.
Năm 2016, lần đầu tiên chi trả DVMTR đối với cơ sở sản xuất công nghiệp và nuôi cá nước lạnh (nuôi trồng thủy sản) có sử dụng nguồn nước từ rừng đang được thí điểm tại tỉnh Lào Cai. Hiện tại, DVMTR đối với cơ sở sản xuất công nghiệp đang được nghiên cứu để thí điểm tại ba tỉnh miền trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Kết quả của việc thí điểm trên sẽ là cơ sở quan trọng để nhân rộng mô hình này trên phạm vi cả nước.
Trong thời gian tới, Quỹ BV và PTR Việt Nam tiếp tục tham mưu Bộ NN và PTNT đề xuất, trình Chính phủ cho phép nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách (Nghị định 05, các thông tư hướng dẫn, văn bản chỉ đạo liên quan sau khi Nghị định 147 được ban hành…); đồng thời tăng cường đôn đốc, chỉ đạo điều hành triển khai chính sách từ trung ương đến địa phương nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả thực thi chính sách chi trả DVMTR, đóng góp vào công cuộc bảo vệ và quản lý rừng bền vững ở Việt Nam nói riêng và bảo vệ môi trường trong bối cảnh toàn cầu nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung.