Ông Trump “khó” đảo ngược Thỏa thuận Khí hậu Paris

ThienNhien.Net – Hơn 1 năm qua kể từ ngày ký kết (12/12/2015), Thỏa thuận Khí hậu Paris đã trải qua nhiều thăng trầm, đặc biệt là sau cuộc bầu cử Mỹ.

Kết thúc gần 20 năm đàm phán, Thỏa thuận khí hậu Paris mở đường cho các quốc gia điều chỉnh hoạt động ngành công nghiệp, năng lượng và giao thông, nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường hiệu quả.

Thỏa thuận đã có hiệu lực vào tháng 11 vừa qua, sớm hơn so với kỳ vọng. Cho tới nay, 115 quốc gia đã thông qua. Năm ngoái, các khoản đầu tư năng lượng xanh toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 329 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2014, chủ yếu vào năng lượng gió và mặt trời, bất chấp việc giá than, dầu và khí đốt giảm sâu.

Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng có nhiều nỗ lực vượt bậc để thực hiện cam kết giảm phát thải. Đặc biệt, Indonesia đang cố gắng giới hạn việc canh tác đất than bùn tại quốc gia này – nguồn sản sinh khí thải nhà kính và khói lớn khi đốt cháy. Một cơ quan cải tạo đất than bùn cũng được chính quyền Indonesia thành lập và bắt đầu hoạt động hồi tháng 1.

Trước những thành quả tích cực trên, Thỏa thuận khí hậu Paris vẫn đối diện nhiều thách thức và dừng lại ở biểu tượng ý chí toàn cầu. Thời gian tới, vẫn phải xem xét thỏa thuận liệu có vượt qua sức ép về chính trị và chi phí mà các quốc gia tham dự vấp phải. Ký kết vào cuối năm 2015, các quốc gia nhất trí, cho tới năm 2018 sẽ xuất bản “sách luật”, hợp thức hóa việc báo cáo thành tựu cũng như quản lý tiến trình cắt giảm phát thải của các quốc gia. Sẽ có cơ chế chính thức để xem xét quá trình thực hiện cam kết của các quốc gia, với đợt đánh giá hoạt động đầu tiên vào năm 2023. Theo Liên Hợp quốc, mức cam kết hiện giờ vẫn chưa đủ để giới hạn biên độ tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C. Thỏa thuận cũng còn thiếu khung hình phạt cho các quốc gia không thực hiện cam kết hoặc đơn phương rút khỏi thỏa thuận (nếu có).

Hiện vẫn chưa rõ, chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có xúc tiến thông qua thỏa thuận này hay không. Ông Donald Trump từng khẳng định: “Khái niệm nóng lên toàn cầu do Trung Quốc tự lập nên nhằm kìm hãm đà cạnh tranh của các nhà sản xuất Mỹ”. Trước cuộc bầu cử, ông Trump từng cam đoan sẽ hủy bỏ thỏa thuận này, nhưng tháng trước lại khẳng định, đã cởi mở hơn với vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và có cuộc hội kiến với nhà hoạt động khí hậu Al Gore. Nếu nỗ lực kéo Mỹ khỏi thỏa thuận, ông Trump sẽ vấp phải phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế cũng như trong nước. Một số bang của Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch cắt giảm khí thải riêng và có khả năng chống lại quyết sách của ông Trump nếu chúng xung đột với con đường của họ. Kỳ vọng lớn nhất hiện nay là tân chính quyền Mỹ sẽ không phá hủy thỏa thuận này, cũng như các mắt xích khác sẽ tuân thủ cam kết.

Thỏa thuận Paris là cơ hội cuối cùng và tốt nhất để thế giới nhanh chóng ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Thực tế, trong năm 2016, chính trường thế giới đã có nhiều biến chuyển với sự đắc cử của ông Donald Trump, sự kiện Brexit và một loạt nguyên thủ châu Âu “xuống ghế”, việc nhiều nước triển khai Thỏa thuận khí hậu Paris là điểm sáng hiếm hoi, mang lại nhiều hy vọng về mối đoàn kết toàn cầu.

Nguồn: