ThienNhien.Net – “Làm thép dứt khoát là phải làm, còn chuyện hiện nay thép thế giới thừa không nói thừa hay thiếu mà phải nói khả năng cạnh tranh”, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết.
“Làm thép, dứt khoát là phải làm”
Trao đổi với báo chí về việc phát triển các dự án thép, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) nhấn mạnh rằng: “Làm phải làm sòng phẳng, làm thép dứt khoát là phải làm, còn chuyện hiện nay thép thế giới thừa không nói thừa hay thiếu mà phải nói khả năng cạnh tranh”.
Ông Hoài cho biết, về năng lực cạnh tranh, hiện nay thép Trung Quốc cạnh tranh được với thép của Anh hay Mỹ do giá nhân công thấp trong khi đó giá nhân công của Việt Nam còn thấp hơn Trung Quốc, thời gian vừa qua vì giá nhân công rẻ có doanh nghiệp đã có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Về dự án thép Hoa Sen Cà Ná, chủ đầu tư là CTCP Tập đoàn Hoa Sen, được biết mới đây Hoa Sen đã gửi Bộ Công Thương đề xuất thực hiện đầu tư và báo cáo tiền khả thi sơ bộ dự án Khu liên hiệp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná (Ninh Thuận), vấn đề đại diện Bộ Công Thương cho rằng “đau đầu” nhất ở dự án là vấn đề nguồn nước.
“Bản thân Ninh Thuận muốn thu hút nhà đầu tư thì phải giải quyết bài toán này. Ninh Thuận khi làm quy hoạch đã có văn bản giải quyết vấn đề nước gửi Bộ Công Thương, cấp nước cho dân là ưu tiên hàng đầu, nếu không cấp được nước thì nhà đầu tư tự rời bỏ. Ninh Thuận muốn thu hút nhà đầu tư phải đầu tư thuỷ lợi nhưng không phải vì Hoa Sen mà Chính phủ đầu tư mấy nghìn tỷ làm thuỷ lợi mà là biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, phải bỏ vốn ra mới thu về được, nếu không có nước làm sao làm thép được”, ông Hoài nói.
Ông Hoài cũng cho biết, khi đề nghị Hoa Sen làm thép lò cao thì họ đã tìm hiểu từ Đông Hội vào Dung Quất rồi mới vào Ninh Thuận. Ninh Thuận 5 năm rồi không kêu gọi được nhà đầu tư lớn nào nên thấy dự án như vậy họ mừng quá.
Ông Hoài cũng cho rằng, công nghiệp thép rất quan trọng vì đây là công nghiệp nền, cơ bản để phát triển ngành công nghiệp và giải quyết được bài toán nhập siêu với Việt Nam, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
“Quặng sắt ta có, tôi gợi ý nên làm nhà máy thép. 1 năm xuất khẩu 7,6 triệu tấn gạo chỉ được 2 tỷ USD nên việc xây nhà máy thép sẽ giải quyết được cả bài toán nhập siêu khi vừa giúp giảm lượng nhập thép, vừa tận dụng được nguồn quặng sắt trong nước”, ông Hoài nói.
Bên cạnh đó, vị lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng cũng cho biết, nếu khai thác tài nguyên khoáng 1 tỷ USD sẽ đóng góp cho GDP 0,4% và nếu huy động được khoáng sản thì vừa giúp giảm bớt nhập khẩu, tạo công ăn việc làm, ổn định vĩ mô.
Quản lý nhà nước ủng hộ, chuyên gia phản đối
Trước lo ngại về năng lực của chủ đầu tư là Tập đoàn Hoa Sen, ông Hoài thông tin, hiện nay doanh nghiệp này có khoảng 4.000 tỷ đồng lãi chưa chia, năm nay dự kiến lãi 1.700 tỷ đồng và nếu làm giai đoạn đầu thì Ngân hàng Công thương (Vietinbank) có thể cho vay với hạn mức khoảng 500 triệu USD.
“Họ đang rất thận trọng nên giai đoạn đầu chỉ trình dự án 4,5 triệu tấn. Mà 1 dự án để nhà tài trợ cho vay thì vốn tối thiểu là 15% và nếu xếp hạng tín nhiệm cao nữa thì vay vốn rẻ hơn mà các ngân hàng vẫn sẵn sàng tài trợ”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Ông Hoài cũng nói thêm rằng, làm nhà máy thép, không có chuyện thép sống bằng điện giá rẻ, điện chiếm 5% thép còn công nghệ lò cao như Formosa, Hoà Phát thì họ không mua điện, mua ít thậm chí bán điện vào lưới khi dư thừa. Hiện nay tổng công suất điện cả nước 160 tỷ kWh/năm, nay tiêu thụ ngành thép 4 tỷ kWh, tương đương 2%. Cũng 4 tỷ đó nhưng cách 10 năm trước thì mới chiếm lớn, xấp xỉ 10%.
Ngoài ra, với trình độ khoa học, công nghệ và thiết bị luyện gang thép hiện nay, nếu tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định vận hành, thì có thể “kiểm soát được vấn đề môi trường với các dự án”.
Trong phần trao đổi, ông Hoài cũng nhắc đến Formosa và cho biết, đừng gọi đây là “sự cố”, việc xả thải khiến cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung là do họ cố tình vi phạm, cố tình xả thải.
“Trao đổi với một số chuyên gia, nói sự cố là bôi xấu ngành thép trên thế giới bởi ngành thép gần như khi đốt cháy hết, so với công nghiệp hoá chất thì không phải ô nhiễm đầu bảng. Câu chuyện sự cố không đúng bối cảnh, sự việc xảy ra, họ nhận rồi thì không gọi là sự cố được”, ông Hoài nói.
Mặc dù ý kiến từ đại diện Bộ Công Thương nêu ra là ủng hộ dự án thép Hoa Sen Cà Ná tuy nhiên, hiện nay ý kiến từ nhiều gia vẫn phản đối dự án này. “Tôi phản đối dự án này từ đầu. Nói tới tái cấu trúc mà thép thì đây là ngành công nghiệp cổ điển, còn nhiều vấn đề để triển khai”, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nói.
Ông Mại từng cho biết, hiện gang thép trên thế giới rất nhiều và không khó mua, do đó, Việt Nam có thể đi vào công nghiệp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano sau đó bán ra thị trường thế giới và mua thép. Ông cũng cho rằng, cần tập trung sức vào làm công nghiệp tương đối hiện đại đi cùng thế giới, bỏ qua những ngành công nghiệp cổ điển.