ThienNhien.Net – Trong những năm qua, “nhà” của voi dần bị thu hẹp bởi sự lấn chiếm đất rừng của con người khiến chúng liên tục ra vùng dân cư để kiếm thức ăn. Từ đó, sự xung đột giữa voi và người đã không thể tránh khỏi. Bằng chứng là tại Đồng Nai, đã xảy ra nhiều vụ voi bị chết và cũng đã có người bị voi giết. Nỗi lo sợ của người dân là có thật và họ đang mong chờ dự án được hoàn thành từng ngày để yên tâm sinh sống và canh tác.
Xung đột voi người ngày càng căng thẳng
Đúng như điều lo lắng của nhiều cán bộ kiểm lâm khi “nhà” của voi bị thu hẹp và xung đột dễ xảy ra là có cơ sở, bởi cách đây không lâu, con voi già duy nhất ở rừng phòng hộ Tân Phú bị giết tại tiểu khu 88, thuộc ấp 9, xã Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Theo nhận định của cơ quan chức năng, từ nhiều năm nay, cá thể voi này sống một mình trong khu vực thuộc BQL rừng phòng hộ Tân Phú rộng 14.000ha và thường ra khu dân cư ăn mía và các loại cây trái của người dân. Sau khi con voi già này chết thì đàn voi rừng bắt đầu di chuyển sang địa bàn xã Thanh Sơn để hoạt động. Và cuối năm 2010, một người dân ấp 2, xã Thanh Sơn dùng xe máy đi rà điện bắt cá tại khu vực suối Đá Bàn, gần VQG Cát Tiên thì gặp voi và bị đạp chết.
Chỉ trong 3 năm từ năm 2009 – 2011, trên các cánh rừng của tỉnh Đồng Nai đã có 9 con voi chết, trong đó 4 con chết tại Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hoá Đồng Nai, 3 con chết tại lâm trường I – Cty La Ngà, 1 con chết tại VQG Cát Tiên và 1 con voi đực một ngà chết tại BQL rừng phòng hộ Tân Phú, trong đó xác định bước đầu có trường hợp là do con người giết.
Các chuyên gia bảo tồn lo ngại, với đà suy giảm như hiện nay thì nguy cơ tuyệt chủng đàn voi rừng ở khu vực rừng Đồng Nai là rất cao. Đặc biệt, lo ngại nhất là việc xung đột giữa voi và người với mật độ dày sẽ không kiểm soát được việc nhiều người chọc phá, đánh, xua đuổi voi, vừa ảnh hưởng đến voi, vừa nguy hiểm cho người dân. Hiện nay, người dân khi phát hiện voi rừng xuất hiện, thường dùng các phương pháp truyền thống như tẩm dầu vào vải để đốt lửa đuổi voi, ném bình gas nhỏ gây nổ để voi sợ. Tuy nhiên, do sau mỗi lần xua đuổi, voi dần quen với các phương pháp này, nên từ từ mức độ hung hãn càng tăng lên, dễ dẫn đến việc truy đuổi, tấn công người.
Để chủ động phát hiện voi từ xa, Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hoá Đồng Nai đã lập nhiều chòi canh có độ cao 20 mét, cử người trực gác thường xuyên. Nếu phát hiện voi vào gần nhà dân sẽ dùng còi điện, đèn chiếu để xua đuổi voi. Tại hai huyện Vĩnh Cửu và Định Quán, chính quyền đã lập hẳn một đội phản ứng nhanh với voi rừng. Đội này có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động dân không ra vườn, thăm rẫy vào buổi tối, không được đốt lửa đuổi voi để đề phòng cháy rừng, đồng thời khi phát hiện voi cần phải có giải pháp xua đuổi ngay, để tránh thiệt hại cho người dân.
Dự án khẩn cấp còn chờ giải phóng mặt bằng
Từ năm 2006, vấn đề bảo tồn voi đã được tỉnh Đồng Nai đặt ra với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Sau nhiều năm đùn qua, đẩy lại việc ai sẽ chi tiền, cuối cùng đến tháng 5.2013, dự án bảo tồn voi ở Đồng Nai cũng được Chính phủ phê duyệt với kinh phí 74 tỷ đồng với sự góp vốn của cả Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, đến nay, phần quan trọng nhất của dự án là hàng rào điện tử mới hoàn tất thủ tục và tiếp tục chờ giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Văn Dũng (Phó Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai) cho biết: Dự án bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai đã được Bộ NNPTNT thẩm định và UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt với tổng kinh phí hơn 74 tỷ đồng (Trung ương trích 45 tỷ đồng, còn lại là địa phương).
UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt các kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm 23 gói thầu. Trong đó gói thầu số 1 đến gói thầu số 14 là giai đoạn chuẩn bị đầu tư, các gói thầu tiếp theo thuộc giai đoạn đầu tư. Tuy nhiên, Chi cục kiểm lâm Đồng Nai mới cho triển khai các gói thầu tư vấn, tính đến hết năm 2015 mới giải ngân được gần 9,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương. Chi cục đã thực hiện xong 8 gói thầu từ vốn địa phương nhưng có đến 7 gói thầu tư vấn và 1 gói thầu mua sắm thiết bị. Tuy nhiên, dự án chính là hàng rào điện lại còn vướng đủ thứ.
Riêng dự án xây dựng hàng rào điện có bề ngang hành lang rộng 10m và chiều dài 50 km (30 km hàng rào cố định và 20 km hàng rào di động). Hàng rào đi qua địa bàn 3 xã: Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) và Thanh Sơn (huyện Định Quán). Hiện các thủ tục chuẩn bị cho dự án hàng rào điện cơ bản đã hoàn thành. Chờ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện xong thì chủ đầu tư sẽ tiến hành ngay việc kêu gọi đấu thầu thực hiện dự án.
Ông Lê Việt Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Đồng Nai cho biết: Giai đoạn chuẩn bị đầu tư được triển khai sau khi được cấp kinh phí thực hiện dự án nên quá trình triển khai các nội dung dự án bị chậm lại; Công tác đền bù giải phóng mặt bằng cũng chậm do dự án công trình theo tuyến liên huyện dài 50km địa hình hiểm trở. Ngoài ra, ông Dũng còn cho rằng, việc xây hàng rào xung điện trên tuyến dài là việc làm mới ở Việt Nam nên chưa có nhiều kinh nghiệm lựa chọn công nghệ, thiết bị…
Trong năm 2016, Chi cục kiểm lâm Đồng Nai tiếp tục được cấp 45 tỷ đồng từ trung ương và tỉnh Đồng Nai để tiếp tục triển khai dự án. Trong đó, có các gói thầu, như gói thầu 15 điều tra đánh giá đàn voi (trị giá gần 2 tỷ đồng); gói thầu số 16 – thiết lập chương trình giám sát (trị giá hơn 1,6 tỷ đồng); Gói 17 – điều tra sinh cảnh (hơn 1,5 tỷ đồng); gói 18-cải thiện sinh cảnh sống tự nhiên cho voi (2,5 tỷ đồng); gói 19-xây dựng nội dung kế hoạch, tuyên truyền (4,5 tỷ đồng); gói 20-tổ chức lớp đào tạo tập huấn cho cán bộ (hơn 1,1 tỷ đồng); gói 21-học tập chia sẻ kinh nghiệm (1,2 tỷ đồng)…
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020” với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững những quần thể voi hoang dã và voi nhà hiện có ở Việt Nam tại 3 tỉnh: Nghệ An, Đắc Lắc và Đồng Nai, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Theo đó, ngân sách trung ương chi 80%, còn lại của địa phương. Theo Đề án, để bảo tồn voi hoang dã trong tự nhiên, cần xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án bảo tồn quần thể voi hoang dã tại 3 tỉnh: Nghệ An, Đắc Lắc và Đồng Nai. Đồng thời, tăng cường năng lực thực thi pháp luật, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, ngăn chặn tình trạng săn bắn, giết hại voi và các loài động vật nguy cấp, quý hiếm theo quy định hiện hành; tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xâm hại voi; nâng cao kỹ năng phòng, chống xung đột voi/người; ngăn chặn tình trạng xâm canh, xâm cư trong khu vực được quy hoạch bảo tồn voi… |