ThienNhien.Net – Ngày 6/12, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội nghị toàn thể nhóm hỗ trợ nông nghiệp (ISG) nhằm kêu gọi hợp tác quốc tế vì tăng trưởng nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng của El Nino từ cuối năm 2014 đến giữa năm 2016, ba khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đã chịu thiệt hại nặng nề do hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục. El Nino dài nhất trong lịch sử gây xâm mặn đã đe dọa 52% diện tích tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, làm ảnh hưởng tới 405.000ha lúa và hoa màu, 28.500ha cây ăn trái, 82.000ha nuôi tôm, 390.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt.
Tổng thiệt hại là 7.900 tỷ đồng (tương đương 360 triệu USD). Còn tại Trung Bộ, có 40.000ha lúa phải dừng sản xuất, 73.000 hộ thiếu nước sinh hoạt liên tục trong hai năm 2015 và 2016. Tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ cũng có tổng cộng 240.000ha cây trồng bị hạn và 115.000 hộ thiếu nước sinh hoạt…
Theo tính toán của 18 tỉnh bị ảnh hưởng và tổng hợp của Bộ NN&PTNT, ước tổng kinh phí cho nhu cầu phục hồi từ năm 2016 đến 2020 là 23.537 tỷ đồng (tương đương với 1.046 triệu USD). Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, hiện nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, tình hình thiên tai thảm họa ở Việt Nam ngày càng khốc liệt với 19 loại hình thiên tai xuất hiện, đặc biệt là mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn… Thời tiết cực đoan đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của hàng triệu người dân Việt Nam, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Theo ông Cường, tình hình rất nghiêm trọng và sẽ nghiêm trọng hơn nếu không có nhiều giải pháp ứng phó quyết liệt với sức mạnh tổng hợp từ Chính phủ tới người dân cùng với sự hỗ trợ tích cực và toàn diện hơn của cộng đồng quốc tế.
Tính đến tháng 11/2016, Việt Nam đã huy động được 18.378.955 USD trong tổng số 26,4 triệu USD huy động được từ tất cả các nguồn trong và ngoài nước (mục tiêu đặt ra là 48,5 triệu USD) cho Kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với hạn hán và xâm nhập mặn tại 18 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Để giúp Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, Bộ NN&PTNT đề nghị cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch phục hồi hạn mặn trong các năm từ 2017 đến 2020.