ThienNhien.Net – Các địa phương cần rà soát, chuyển đổi những diện tích đất ven biển quy hoạch trồng rừng sản xuất hoặc thuộc các loại đất khác đang bị xói lở hoặc bị ảnh hưởng của cát bay, cát di động nghiêm trọng để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển.
Ngày 6/12, tại Ninh Bình, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo “Tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững rừng ngập mặn”, với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà quản lý các tỉnh nằm trong vùng hưởng dự án từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh.
Hội thảo nhằm vận động chính sách Trung ương sau khi đã triển khai đồng loạt các hội thảo vận động chính sách cấp tỉnh thuộc dự án “Trồng rừng ngập mặn – Giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ được tiến hành từ năm 1994 đến nay. Trong suốt những năm qua, dự án trồng rừng ngập mặn đã được Hội Chữ thập đỏ 10 tỉnh gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình triển khai, đạt những kết quả quan trọng với 3 loại cây: trang, đước và bần trên diện tích 24.000 ha, hiện còn sống và che phủ gần 9.000 ha, bảo vệ gần 100 km đê biển.
Ngoài ra, dự án còn trồng được 103 ha tre bảo vệ đê sông và 398 ha phi lao bảo vệ ven biển; hỗ trợ xây dựng cộng đồng an toàn, giảm thiểu rủi ro thảm họa tại 392 xã thông qua việc nâng cao nhận thức, năng lực về phòng chống thiên tai cho chính quyền và người dân. Theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, diện tích rừng ngập mặn do tổ chức này trồng chiếm trên 4,27% tổng diện tích rừng ngập mặn hiện đang tồn tại tại Việt Nam, chiếm khoảng 25% diện tích rừng tại các tỉnh có triển khai chương trình.
Hội nghị đã tập trung phân tích, thảo luận những mặt tích cực cũng như những tồn tại, hạn chế trong thực hiện dự án thời gian vừa qua. Theo ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có 29 tỉnh có bờ biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, đây là khu vực thường xuyên chịu nhiều rủi ro do thiên tai gây ra. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 1943, Việt Nam có 408.500 ha rừng ngập mặn, nay chỉ còn 310.000 ha, do vậy, việc phục hồi và phát triển diện tích rừng ven biển là hết sức cần thiết, trong đó Việt Nam đề ra mục tiêu trồng mới trên 46.000 ha rừng ngập mặn.
Để đạt mục tiêu này, ông Cao Chí Công đề nghị các địa phương rà soát, chuyển đổi những diện tích đất ven biển quy hoạch trồng rừng sản xuất hoặc thuộc các loại đất khác đang bị xói lở hoặc bị ảnh hưởng của cát bay, cát di động nghiêm trọng để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển; tổ chức rà soát, chuyển các công trình có ảnh hưởng hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng ven biển ra khỏi khu vực quy hoạch rừng phòng hộ ven biển xung yếu và rất xung yếu, khu vực hành lang bảo vệ bờ biển. Ông Công cũng cho rằng, cần phải có mức đầu tư thích hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trồng, bảo vệ rừng ngập mặn; đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển…
Theo đại diện của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, Nhật Bản đánh giá rất cao hiệu quả của dự án “Trồng rừng ngập mặn – Giảm thiểu rủi ro thảm họa” thực hiện tại Việt Nam, dự án này đã được nhận giải thưởng của Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản. Dự án đã tác động mạnh mẽ đến việc bảo vệ môi trường nói chung. Qua thực tế tại các địa phương như: Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa… nhận thấy người dân các địa phương này rất tích cực trong công việc trồng, chăm sóc rừng ngập mặn.
Ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đánh giá cao hiệu quả của dự án trồng rừng ngập mặn, trong đó Ninh Bình là một trong những địa phương hưởng dự án. Ninh Bình có 512 ha rừng ngập mặn; rừng ngập mặn do Hội Chữ thập đỏ trồng chiếm 1 nửa trong số này, được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia, góp phần phòng chống thiên tai, tăng nguồn lợi thủy sản, tăng thu nhập cho người dân.
Tại hội thảo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có biên bản ghi nhớ phối hợp triển khai dự án “Trồng rừng ngập mặn – Giảm thiểu rủi ro thảm họa”. Theo đó 2 bên sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, tư vấn với các cơ quan Chính phủ, các đối tác trong các hoạt động liên quan; tổ chức, tham gia các cuộc họp, tham vấn, hội thảo vận động chính sách, các hoạt động có liên quan cấp Trung ương; đánh giá tính khả thi trong mở rộng địa bàn trồng rừng tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng đề xuất và triển khai Dự án phối hợp trồng rừng ven biển gửi Chính phủ, các đối tác và thực hiện các hoạt động có liên quan.