ThienNhien.Net – Liên tục gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động, đã bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an xử phạt hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty TNHH Nông nghiệp và Xây dựng Đông Xuân (Cty Đông Xuân) vẫn tái diễn vi phạm xả thải “đầu độc” nguồn nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của hàng nghìn hộ dân tại xã Tiêu Động, xã La Sơn, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
“Đầu độc” môi trường
Theo tìm hiểu, từ khi Công ty Đông Xuân đi vào hoạt động thì môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng, làm đảo lộn cuộc sống của người dân nơi đây. Có mặt tại xã Tiêu Động, chúng tôi ngay lập tức ngửi thấy mùi hôi hám nồng nặc từ kênh thủy lợi BH23.
Được biết, Công ty Đông Xuân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi nằm trên địa bàn xã Tiêu Động và xã La Sơn từ năm 2009, do bà Nguyễn Thị Huệ là Giám đốc. Hiện công ty này có 2 trại nuôi lợn, tổng diện tích trên 12ha với quy mô chăn nuôi “khủng” hàng vạn lợn nái, lợn thịt.
Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty liên tục bị người dân phản ánh về việc gây ô nhiễm môi trường qua hành vi xả thải trực tiếp ra sông gây thiệt hại trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, khi người dân bắt buộc phải lấy nước ở kênh ô nhiễm vào ruộng lúa. Hiện kênh thủy lợi dẫn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của người dân xã La Sơn, xã Tiêu Động thành kênh “chết” với dày đặc phân lợn được cho là từ trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Đông Xuân thải ra.
“Trang trại nuôi lợn của Công ty Đông Xuân ngang nhiên xả nước thải màu đen ngòm ra hệ thống mương phía trước công ty rồi cứ thế chảy thẳng ra hệ thống mương thủy lợi của chúng tôi, khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, cây cối thì không thể phát triển được. Nước ngấm đến đâu thì lúa, cây cối chết đến đấy khiến cho cuộc sống của người dân ngày càng có khăn. Nhất là vào vụ lúa những năm gần đây, so với những năm trước mất đi 1/3 sản lượng”, một người dân tại xã La Sơn cho biết.
Khi hỏi nguyên nhân dẫn đến mất mùa lúa, người dân này cho rằng do việc lấy nước tưới từ kênh bị ô nhiễm, do quá nhiều phân lợn thải ra từ trại lợn của Công ty Đông Xuân. Không những lúa bị mất mùa mà khi người dân làm ruộng do tiếp xúc nước ô nhiễm nặng đều bị mẩn ngứa, mắc các bệnh ngoài da.
Được biết, năm 2014, Công ty Đông Xuân đã bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) xử phạt về việc xả thải ra môi trường gần 300 triệu đồng và buộc Công ty Đông Xuân thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm hành chính gây ra. Sau khi bị xử phạt, Công ty Đông Xuân đã đầu tư máy ép phân và xử lý nước thải, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm vẫn không thuyên giảm.
Chính quyền địa phương nói gì?
Hành vi sai phạm của Công ty Đông Xuân là nghiêm trọng. Việc xả thải trực tiếp ra hệ thống kênh, mương đồng nghĩa với việc hủy hoại môi trường nước mặt và nước ngầm, ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân. Nếu chậm khắc phục, những chất xả thải ô nhiễm ngấm vào mạch nước ngầm dẫn tới hậu quả khó lường.
Trước những vi phạm của Công ty Đông Xuân kéo dài, ông Bùi Hữu Liêm – Chủ tịch UBND xã Tiêu Động cho biết: “Công ty Đông Xuân được UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận Dự án và chính thức chăn nuôi lợn vào năm 2009, có đầy đủ thủ tục pháp lý, đánh giá tác động môi trường…Tuy nhiên, người dân trong xã đã có ý kiến về trại nuôi lợn của Công ty Đông Xuân bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nước ở các buổi tiếp xúc cử tri của huyện.
Gần đây, khi nhận được nhiều ý kiến phản ánh của bà con, UBND xã đã phối hợp với Phòng TN&MT cùng các cơ quan liên quan kiểm tra theo kiến nghị của người dân. Công ty Đông Xuân cũng đã xây dựng đề án giảm thiểu ô nhiễm, như máy ép phân khô, đóng bao, nhưng tình trạng này có vẻ không thuyên giảm nên bà con tiếp tục kiến nghị. Thực tế thì cũng có mùi, nhưng UBND xã không thể thẩm định mức độ ảnh hưởng cũng như xác định mức độ vi phạm đến đâu. Với chức năng của UBND xã chỉ kiến nghị qua các lần họp, tiếp xúc cử tri với huyện. Còn việc để xác định trại lợn có ô nhiễm hay không, xử lý như thế nào thì trách nhiệm thuộc về các cấp, ban, ngành được giao. UBND xã cũng chưa nắm được việc kiểm tra, đánh giá hoạt động chăn nuôi của công ty này”.
Để đánh giá khách quan về trách nhiệm của chính quyền huyện Bình Lục giải quyết kiến nghị của người dân, PV đã mất rất nhiều thời gian chờ đợi, gọi điện nhiều lần cho ông Lê Gia Ngọc – Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Lục thì nhận được thái độ khó chịu và liên tục nhận câu trả lời gọn lỏn “Tôi đang họp” và đột ngột tắt máy.
Không hiểu sao trong nhiều năm qua, người dân xã Tiêu Động, La Sơn liên tục kiến nghị về trại lợn của Công ty Đông Xuân “đầu độc” môi trường nhưng các cơ quan chức năng, chuyên môn từ huyện đến tỉnh lại không hề có động thái gì? Người dân đề nghị UBND huyện Bình Lục và cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam sớm kiểm tra, xử lý để có câu trả lời cũng như đảm bảo việc canh tác, sản xuất nông nghiệp cho người dân.