ThienNhien.Net – Lên Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên), tận thấy những cách bảo vệ rừng: Từ những mô hình tạo sinh kế để không sống phụ thuộc vào rừng, đến thay đổi nhận thức người dân, mới thấy để thay đổi một thói quen, hay tập quán là cả quá trình dài. Song, từ nhận thức rừng là nguồn sống mà việc bảo vệ rừng đã huy động được sự tham gia của cộng đồng.
Giữ rừng dựa vào cộng đồng
Ngôi nhà sàn của chị Nguyễn Thị Lâu nằm bên dòng suối Thâm Trung (xã Ôn Lương). Sau lưng là rừng cọ cao vút. Phía trước là một mầu xanh của rừng, trải dài ngút tầm mắt. Từ ngôi nhà này chúng tôi vẳng nghe tiếng suối róc rách, đàn chim lạ bay liệng trong làn gió mát lạnh. Đón khách, chị Lâu đon đả pha trà. Bỗng ai nấy đều như sững lại khi chị khua tay: “Đi chỗ khác để tụi này nói chuyện”. Nhìn ra cửa sổ, chợt hiểu chị mắng yêu chú sóc đang nhảy nhót trên cành cây trám. Mọi ánh mắt dõi theo chú sóc một cách thích thú và rồi bỗng từ đâu đó, thêm hai chú sóc nâu tiến đến gần nhảy nhót, không một chút sợ sệt con người. “Gần đây có nhiều loài chim lạ di cư đến, chúng tôi chưa nhận ra đó là loài gì. Hằng ngày chúng vẫn sà xuống các nhà dân đậu, bay lượn như múa. Nhìn thấy chúng, chúng tôi vung ít hạt ngô cho ăn, hồi ban đầu thấy thế chim sợ bay đi nhưng dần quen nên chim thường xuyên bay về”, chị Lâu cho biết.
Dẫn chúng tôi thăm khu rừng xã Ôn Lương, chị Lâu chỉ tấm biển dọc con đường đi qua: “Không chặt phá, săn bắt thú rừng. Không được chăn thả gia súc, đốt nương rẫy…”, rồi kể: “Thời con gái tôi vẫn đạp xe vô rừng chặt cây lấy gỗ mang đến những vùng khác bán lấy tiền đong gạo. Hồi đó (năm 1995), tôi và nhiều người dân nơi đây vẫn có suy nghĩ rằng: không chặt cây rừng thì lấy tiền đâu để đong gạo?”. Cũng bởi sống dựa vào rừng mà những cánh rừng nguyên sinh thời ấy bị tàn phá đến kiệt quệ. May nhờ những năm sau đó (từ năm 1998), các hộ dân không còn phá rừng mà còn tham gia trồng rừng theo dự án của Tổ chức chương trình lương thực thế giới (PAM), cũng như tham gia dự án trồng mới năm triệu héc-ta rừng… “Từ đó tôi bỏ nghề vào rừng lấy gỗ, đi trồng rừng để có gạo ăn”, chị Lâu chia sẻ thật lòng. Nhờ thế, những năm sau đó nhà chị có bốn héc-ta rừng sản xuất, cuộc sống trở nên khấm khá do được khai thác bán gỗ từ rừng sản xuất.
Tuy nhiên, chủ trương của chính quyền địa phương đưa phần lớn diện tích rừng sản xuất chuyển thành rừng phòng hộ nhằm giữ nguồn nước và chống xói mòn cho các vùng nông nghiệp có địa hình thấp hơn Phú Lương (từ năm 2013) đã khiến hằng trăm gia đình trồng rừng lao đao. Diện tích rừng sản xuất của nhà chị Lâu cũng bị quy hoạch vào rừng phòng hộ, không còn được khai thác gỗ. Để giảm việc sống phụ thuộc vào rừng, chị tiếp tục được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia vào dự án mới, qua đó được tạo sinh kế bằng việc phát triển mô hình nông nghiệp khép kín không rác thải. Thực hiện mô hình này, chị bắt đầu từ việc đầu tư diện tích gần một sào ruộng để trồng cỏ, lấy cỏ nuôi trâu, sau đó lấy rác thải từ nuôi trâu để nuôi giun quế, lấy giun quế nuôi gà và nuôi cá, rác thải của nuôi gà và nước thải của cá lại dùng để trồng rau sạch và trồng cỏ. Từ ngày nuôi giun quế, đàn gà nhà chị các lứa bé nối tiếp lứa lớn, mỗi lứa hằng trăm con, cho thu nhập từ trên 15 triệu đồng/lứa. “Điều có lợi nhất khi nuôi trồng theo mô hình nông nghiệp sinh thái khép kín là giảm chi phí đầu vào và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch”, chị Lâu – một phụ nữ nhiều năm nay là tổ trưởng tổ bảo vệ quản lý rừng gồm 10 người, có trách nhiệm bảo vệ 145 héc-ta rừng, trong đó có 135 héc-ta rừng phòng hộ ở thôn Thâm Trung – tự hào nói.
Thay đổi nhận thức, giảm phụ thuộc vào rừng
Ghé thăm nhà anh Vi Văn Thư – một hộ dân nuôi ong lấy mật ở thôn Đồng Nghè 2 (xã Động Đạt), thật ấn tượng khi căn nhà sàn nằm lẩn khuất dưới những tán cây rừng. Chung quanh, bên những gốc cây già anh treo hàng chục tổ ong. Thi thoảng có đàn ong bay vò võ ngang trên đầu. Anh liền lấy tay ra hiệu cho chúng tôi đứng im và không có gì phải sợ, để ong được bay lượn một cách tự nhiên. “Thú thật, nhiều đàn ong của tôi nuôi là ong nhà, nhưng cũng có một số là đàn ong rừng tìm về trú ngụ, bởi nhà tôi nằm ở vùng lõi của rừng. Giờ đây chính tôi cũng khó phân biệt đâu là đàn ong nhà, đâu là ong rừng”, anh Thư mỉm cười.
Cũng như nhiều hộ dân ở thôn Đồng Nghè 2, gia đình anh Thư có hơn 2 héc-ta rừng sản xuất nay chuyển thành rừng phòng hộ. Tạo dựng cuộc sống mới nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào rừng anh lựa chọn nuôi ong. Ban đầu anh nuôi số đàn nhỏ, tự cung tự cấp mật cho gia đình, họ hàng là chính. Đến nay, khi xác định nuôi ong trở thành hàng hóa cung cấp cho thị trường, anh nâng đàn ong của gia đình lên trên 50 đàn. Cách nuôi của anh phần lớn là cho thả tự nhiên. Anh nhẩm tính: “Ngoài sản xuất ruộng nương, nuôi lợn, gà, thì từ nuôi ong mỗi đàn mỗi lần lấy mật thường cho 3 lít mật. Một năm có 4-5 đợt lấy mật, với giá bán tại nhà trên 200 nghìn đồng/lít, đã giúp gia đình tôi có cuộc sống tốt hơn”. Khi được hỏi: Anh có từng vào rừng đốn cây lấy gỗ không? Anh Thư gãi đầu, tư lự mãi rồi nói: “Sống trong vùng lõi của rừng, khi thiếu gạo làm sao tránh khỏi. Nhưng đó là câu chuyện của ngày trước, khi tôi chưa bắt tay vào phát triển mô hình kinh tế…”.
Có thể nói, trường hợp của chị Nguyễn Thị Lâu, hay anh Vi Văn Thư chỉ là hai trong hàng trăm hộ gia đình tại các xã Ôn Lương, Động Đạt và Yên Lạc, thuộc huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên (cùng các xã Trạm Thản và Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã và đang tham gia vào nhóm sinh kế của dự án do Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) hỗ trợ. Mục đích của dự án này là nhằm hỗ trợ người dân, đặc biệt là người nghèo cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và bảo vệ rừng phòng hộ bền vững thông qua cách tiếp cận có sự tham gia vào chuỗi giá trị. Dựa theo mục đích này dự án đã thành lập và vận hành 11 quỹ tiết kiệm thôn bản, 11 tổ nhóm sở thích như nuôi giun quế kết hợp nuôi gia cầm và nuôi thủy cầm, 2 nhóm nuôi ong lấy mật, 6 nhóm chăn nuôi dê. “Trước đây việc chăn nuôi của đa số người dân manh mún, nhỏ lẻ, nay do nhu cầu của thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp sạch cho nên các dự án được triển khai thúc đẩy việc sản xuất mang tính hàng hóa nhiều hơn”, chị Đới Khánh Hà – cán bộ dự án cho biết.
Phú Lương là huyện miền núi thấp của tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 22 ki-lô-mét, điều kiện khí hậu cho phép phát triển nhiều loại cây trồng, nhưng điểm hạn chế là diện tích đất bằng của huyện chỉ chiếm 23,5%. Trong khi với các xã dự án: Yên Lạc, Ôn Lương và Động Đạt đều thuộc các xã nghèo. Trung bình mỗi nhân khẩu chỉ có 1-1,5 sào lúa, trong khi cây chè thì cho năng suất thấp. Ông Bùi Phương Thảo, Phó trưởng trạm Khuyến nông huyện Phú Lương cho biết: “Nguồn sống chính của người dân trước đây chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Từ khi được tiếp cận các chương trình tạo sinh kế, đời sống nâng lên đã dần thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ giảm thiểu việc sống dựa vào rừng. Không ít người trước kia hễ nghe nói đến biến đổi khí hậu là họ liền lảng tránh, bảo “các ông toàn nói chuyện như ở trên trời”. Nay thì họ thấy rõ về tác động của biến đổi khí hậu, hậu quả của việc phá rừng, đó là vào nhiều thời điểm mưa to, người ta không thể vào thôn Đồng Nghè được”.
Hôm rời Động Đạt, dọc đường chúng tôi phải sững người lại khi phát hiện một khoảnh rừng vừa bị đốn hạ, nhựa trắng từ thân cây vẫn còn nhỏ xuống. Như một vết thương giữa cánh rừng đang xanh ngút. Một người là thành viên đội bảo vệ tuần rừng xót xa nói với chúng tôi, công việc tuần rừng ngày lẫn đêm của anh chỉ được nhận số tiền 50.000 đồng/tháng. Nhưng anh muốn nhấn mạnh rằng, không có số tiền đó anh vẫn làm, bảo vệ rừng là vì quyền lợi của gia đình mình. Và anh cho biết thêm, để giữ được nguồn nước mang lại sự sống, nhiều người dân vẫn đã tự nguyện giữ rừng. Nhiều người dân truyền nhau câu: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, nên nay không ai dám tận diệt rừng. Song, trên thực tế nhiều người vì còn quá nghèo, cuộc sống còn khó khăn, cực chẳng đã mà phải phá rừng, phát nương làm rẫy. Đi tìm giải pháp cho vấn nạn này, bên cạnh tạo sinh kế, phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp, thì điều cốt yếu chính là nâng cao nhận thức của người dân thông qua các khóa đào tạo, huấn luyện, các chiến dịch tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh học cũng như cảnh báo họ về các hậu quả của việc phá rừng.