ThienNhien.Net – Địa phương thiệt hại nặng nề về người do mưa lũ gây ra là tỉnh Bình Định với 6 người chết, tiếp đến là Quảng Ngãi, Quảng Nam…
Báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho thấy, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung đã làm 14 người chết, 3 người bị thương. Trong đó, địa phương thiệt hại nặng nề về người là tỉnh Bình Định, với 6 người chết, tiếp đến là Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Mưa lũ cũng làm sập, đổ 101 nhà; khoảng 1.200 căn nhà bị ngập, hư hỏng; diện tích lúa và hoa màu bị ngập lên đến hơn 12.000 ha, chủ yếu là diện tích lúa.
Đến nay, về cơ bản nước đã rút, các địa phương đang tập trung rà soát, đánh giá những diện tích còn bị ngập và thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tính đến 8h sáng 5/12, đã có 13 hồ trên tổng số 145 hồ chứa thủy điện đang xả tràn.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu, các địa phương tập trung cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người chết; huy động lực lượng giúp dân vệ sinh nhà ở, môi trường, khôi phục sản xuất; Rà soát, thống kê, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị chia cắt để kịp thời hỗ trợ, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét; Tổ chức hướng dẫn giao thông tại các khu vực còn bị ngập, những đoạn đường bị hư hỏng, các bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Đồng thời, thống kê, đánh giá thiệt hại, đề xuất nhu cầu hỗ trợ thiệt hại do mưa lũ gây ra, từng bước ổn định đời sống nhân dân; đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chỉ huy ứng phó với đợt mưa lũ vừa qua.
Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường và thời tiết nguy hiểm trên biển. Liên tục kiểm tra các phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa nhất là các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý chủ động xả nước để đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác phối hợp xả lũ theo Quy trình của các chủ hồ chứa với các đơn vị liên quan và người dân vùng hạ du.