Giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà tại Việt Nam

ThienNhien.Net – Quy luật nếu kinh tế ngày phát triển thì nhu cầu tiêu thụ điện năng ngày càng cao, sẽ làm ảnh hưởng nhất định đến khả năng cung cấp điện.

Do đó, vấn đề sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trở thành vấn đề cấp bách. Bên cạnh việc tiết kiệm điện trong các quá trình sản xuất, thì việc tiết kiệm điện trong sinh hoạt, đặc biệt là trong các toà nhà văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn có tác động trực tiếp đến việc giảm áp lực cho hệ thống cung cấp điện.

Thực trạng tiêu thụ điện năng trong các tòa nhà

Giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà ở Việt Nam đã được các chuyên gia trong và ngoài nước bàn luận, mổ xẻ tại Hội thảo do Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng) tổ chức ngày 5/12/2016 tại TP Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia, trong các toà nhà, thành phần tiêu thụ điện năng bao gồm hệ thống điều hoà không khí và các thiết bị phụ trợ (bơm nước, quạt gió), hệ thống chiếu sáng, hệ thống thiết bị văn phòng, hệ thống thang máy và các thiết. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà là tương đối lớn, khoảng 10 – 40%. Cấu trúc tiêu thụ điện của các thành phần phụ tải điển hình trong các toà nhà thông thường:

Hệ thống điều hoà không khí: (40 – 60%). Hệ thống chiếu sáng: (15 – 20%). Hệ thống thang máy: (5 – 10%). Hệ thống nước nóng: (5 – 10%). Hệ thống bơm nước thuỷ cục: (5 – 10%). Hệ thống các thiết bị văn phòng: (10 – 15%) cùng các hệ thống khác như: Bàn là, máy ủi, máy hút bụi…

051216-tietkiem

Ông Keizo Susuki – GĐ Trung tâm giải pháp đầu tư xây dựng Panasonics khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cho biết: “Trong các hệ thống tiêu thụ năng lượng nói trên thì hệ thống điều hoà không khí và các thiết bị phụ trợ (máy lạnh, bơm nước lạnh, quạt gió) là một trong những hệ thống tiêu tốn điện năng nhiều nhất, ai cũng thấy rõ”.

“Hiện nay thường gặp các vấn đề, rất nhiều các thiết bị điều hoà không khí đang được sử dụng có công nghệ cũ, có hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều điện năng. Hệ thống đường ống dẫn nước lạnh, dẫn gió chưa được bảo ôn đúng cách dẫn tới sự tổn hao nhiệt năng lớn trên đường ống. Trong quá trình sử dụng, một số yếu tố chưa được chú trọng đúng mức, độ chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài không gian điều hoà, bố trí các phòng lạnh tiếp xúc trực tiếp với các bức xạ mặt trời”. Ông Keizo Susuki cho biết thêm.

“Từ thực tế đó, nếu chúng ta khắc phục được những vấn đề này, cơ hội tiết kiệm điện từ hệ thống điều hoà không khí là rất lớn”. Ông Keizo Susuki nhấn mạnh.

Đại diện Trung tâm Tiết kiệm Năng lương TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Hiện nay, hệ thống chiếu sáng trong các tòa nhà có một số khía cạnh có thể khai thác để tiết kiệm năng lượng như các thiết bị chiếu sáng hiệu suất thấp, tiêu hao năng lượng lớn. Ánh sáng thừa. Cơ hội tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị chiếu sáng là rất lớn nếu được thay thế bằng các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện và sử dụng ánh sáng vừa đủ”.

Việc cung cấp nước nóng trong các toà nhà chủ yếu được thực hiện bằng các bình đun nước cục bộ sử dụng trực tiếp nước lạnh thông thường, việc này gây ra tiêu tốn điện năng rất lớn để đun và duy trì nhiệt độ nước nóng trong cả ngày. Nếu có thể tăng nhiệt độ nước cấp cho các bình nước nóng sẽ giảm được thời gian hoạt động của bình nước nóng, đồng thời tiết kiệm được điện năng tiêu thụ.

Cùng với đó, trong các toà nhà hiện nay, loại thang máy được lắp đặt thông thường là các thang máy có tải định là 1000KG ≈ 15 người, tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các thang máy thường làm việc dưới tải định mức (thậm chí thấp hơn rất nhiều) gây lãng phí điện năng.

Các thiết bị phụ trợ như bơm nước phục vụ hệ thống điều hoà, sinh hoạt, các thiết bị này khi tính toán thiết kế được lựa chọn với công suất tối đa, có khả năng đáp ứng được yêu cầu lớn nhất của toà nhà, tuy nhiên, rất ít khi xảy ra tình huống, dẫn đến việc nhu cầu sử dụng không cao, nhưng thiết bị vẫn phải hoạt động với công suất lớn dẫn đến việc lãng phí điện.

“Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà đến từ các thiết bị sẽ tạo ra tính tối ưu trong sử dụng năng lượng, chi phí vận hành”. Ông Keizo Susuki kết luận.

Giải pháp tiết kiệm năng lượng phải đi cùng ý thức tiết kiệm của người sử dụng

Các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà tại Việt Nam đã được các chuyên gia thảo luận sôi nổi và đưa ra cụ thể. Trong đó, việc thay thế máy điều hoà không khí cục bộ hiệu suất thấp bằng các máy điều hoà không khí hiện đại, sử dụng công nghệ biến tần, điều khiển công suất động cơ phụ thuộc vào nhu cầu thực tế cần phải tiến hành một cách triệt để nhằm giảm mức tiêu thụ điện năng của hệ thống điều hòa.

Việc giảm lượng nhiệt xâm nhập vào phòng qua các kết cấu bao che (tường, trần) bằng việc áp dụng các phương án thích hợp như: Lắp đặt rèm che, các tấm dán kính, hoặc sử dụng kính cách nhiệt. Với các hệ thống lớn, lắp đặt các hệ thống điều khiển trung tâm, quản lý vận hành hợp lý, đặt nhiệt độ phù hợp trong từng khoảng thời gian nhất định trong ngày.

Hệ thống chiếu sáng: Thay thế hệ thống chiếu sáng hiệu suất thấp (bóng sợi đốt, đèn huỳnh quang chấn lưu sắt từ) bằng các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện (bóng compact tiết kiệm điện, chấn lưu điện tử). Đối với các thiết bị chiếu sáng ngoài trời, điều khiển tắt bật theo các chế độ tự động (theo thời gian, theo độ sáng của môi trường). Sử dụng đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời.

Hệ thống nước nóng: Thay thế việc sử dụng các bình đun nước nóng cục bộ bằng việc sử dụng các trung tâm cấp nước nóng sử dụng dầu D.O cấp nước nóng cho toàn bộ toà nhà. Sử dụng các bình nước nóng năng lượng mặt trời, có thể sử dụng trực tiếp hoặc để gia nhiệt nước cấp cho các bình đun nước nóng.

Hệ thống bơm nước thuỷ cục và thang máy: Tính toán lưạ chọn công suất phù hợp với đặc tính sử dụng của toà nhà. Sử dụng thiết bị kết hợp biến tần để điều chỉnh công suất thiết bị phù hợp với nhu cầu thực tế (biến tần cho bơm nước lạnh, biến tần cho bơm nước sinh hoạt, bơm nước cho động cơ thang máy).

Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng), nêu rõ: “Bên cạnh các giải pháp nêu trên, chúng ta có thể kết hợp giữa phương án tiết kiệm điện thông qua việc quản lý vận hành hệ thống và nâng cao ý thức tiết kiệm của người sử dụng, phân bổ thời gian làm việc hợp lý, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật như sử dụng năng lượng mặt trời”.

Nguồn: