ThienNhien.Net – Hằng năm, bờ biển tỉnh Thừa Thiên – Huế bị sạt lở hàng chục điểm, nhiều nhà dân phải di dời khẩn cấp nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp ứng phó.
Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên – Huế, sóng biển dâng cao khiến nhiều vùng bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng.
Sạt lở hàng cây số
Tại thôn Tân An (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang), sóng biển làm sạt lở bờ nghiêm trọng, kéo dài cả cây số, cuốn trôi khoảng 1.500 m³ đất, cát. Hệ thống kè mềm vừa được đầu tư xây dựng ở đây bị đánh vỡ 4 chỗ, ảnh hưởng trực tiếp đến 2 trại sản xuất tôm giống và nhà của gần 150 hộ dân nơi đây. Sóng biển cũng đang uy hiếp đường giao thông liên xã và Quốc lộ 49A, hệ thống điện cao thế của 10 xã ven biển, đầm phá thuộc huyện Phú Lộc và Phú Vang. Các khu vực bờ biển khác tiếp tục sạt lở nặng khoảng hơn 10 km, trong đó tại xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) sạt hơn 2,5 km, xã Phú Thuận hơn 2 km.
Xã Vinh Hải và Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) bị sạt lở 2,5 km, sâu từ 5-10 m. Trước đó, tại điểm sạt lở này, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế và UBND huyện Phú Lộc đã cho đổ rọ đá, bao cát, đá hộc… để ngăn sóng dữ nhưng vẫn bị tàn phá. UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế trước đó cũng đầu tư 2,5 tỉ đồng làm kè ở khu vục này đã bị sóng đánh tan, tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết bờ biển thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc từ xưa đến nay chưa từng xảy ra sạt lở vì có các rừng phi lao và dừa che chắn. Thế nhưng thời gian vừa qua, nơi đây đã bị sóng kéo sập đất dài trên 200 m, chỉ cách nhà dân chưa tới 20 m.
Âu thuyền Phú Thuận (huyện Phú Vang) được đầu tư hơn 2 tỉ đồng cách đây vài năm nay đang bị xâm thực nghiêm trọng. “Âu thuyền này phục vụ việc neo đậu, tránh trú của khoảng 50-60 tàu thuyền, nay bị hư hỏng nhiều nơi, gây trở ngại lớn trong việc neo đậu, vận chuyển nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho các đội tàu đánh bắt” – ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, nói.
Tìm giải pháp
Theo ước tính của ông Phan Thanh Hùng, từ sau năm 1975 đến nay, tại địa phương đã có hơn 2.700 ha đất biến mất do biển xâm thực. Sự xâm thực của biển xảy ra mạnh mẽ nhất từ sau cơn lũ lịch sử năm 1999 và diễn ra ngày càng dữ dội kể từ năm 2001 đến nay.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã mời nhiều đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cả chuyên gia của Nhật Bản đến khảo sát tìm biện pháp khắc phục.
“Các chuyên gia chỉ khẳng định là do biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy hải văn, mực nước biển có xu hướng đang lên, tác động thủy triều lớn. Các nhà nghiên cứu đang đánh giá nguyên nhân, phân tích để tìm các giải pháp lâu dài cho phòng chống sạt lở biển” – ông Hùng nói.
Còn về giải pháp ngăn chặn biển xâm thực, theo ông Hùng, thì không hề đơn giản bởi cần nguồn kinh phí rất lớn, biện pháp kỹ thuật cao. “Chúng tôi đã tham khảo một số nơi sử dụng nhiều giải pháp chống sạt lở bờ biển và theo tôi, giải pháp hiệu quả nhất chỉ có trồng rừng phi lao chắn sóng” – ông Hùng nhận định.
Nhằm hạn chế sạt lở bờ biển, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ khoảng 2.350 tỉ đồng để thực hiện dự án Chống sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa biển và nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão.