ThienNhien.Net – Người nông dân 2 huyện Định Quán và Vĩnh Cửu của tỉnh Đồng Nai bây giờ đã quen với cảnh voi phá hoa màu và tiếp tục cuộc sống chịu đựng chờ đợi dự án bảo tồn voi được triển khai để voi – người đôi ngã. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi dự án bảo tồn voi, thì trước mắt, mỗi tháng đàn voi về đều mang theo những thiệt hại nặng nề khiến cuộc sống người dân rơi vào khó khăn, những khoản hỗ trợ về vật chất từ địa phương lại rất ít ỏi.
Nông dân xót xa nhận 2 triệu đồng
Đội phản ứng nhanh về voi xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu cho biết, tính từ đầu năm đến tháng 4.2016, voi rừng đã ra khu dân cư 69 lần và gây nên 71 vụ thiệt hại về hoa màu, nông sản của người dân, làm hư hại hơn 4,7 ha mì, hơn 2,1 ha mía, làm gẫy 214 cây điều, hơn 800 cây chuối, hơn 250 cây xoài với tổng trọng lượng trái bị hư hại là gần 22 tấn. Ngoài ra, voi còn làm hư hại một số cây trồng khác như: tiêu, cao su, dừa, bưởi, mít. Đặc biệt, tính từ đầu năm đến nay, voi đã làm hư hại 4 chiếc xe gắn máy của người dân. Tại xã Thanh Sơn, H.Định Quán, nhiều hộ dân cũng bị thiệt hại nặng, như hộ Nguyễn Văn Khơi, Nguyễn Công Phương đều bị voi phá hơn 1.000 bụi chuối; hộ chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung cũng bị phá 24 cây xoài mười năm tuổi, nhiều nhà cửa của người dân cũng bị phá hỏng…
Chị Hoàng Thị Thúy (ấp 2, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) xót xa: “Từ hôm Tết Bính Thân tới giờ ông Bồ ghé vườn nhà tôi mấy lần, không chỉ ăn xoài trái, ông còn quật long gốc, gãy cành gần 20 cây xoài. Xoài đã trồng được 10 năm và đang cho thu hoạch ổn định mà ông phá như vậy thì xót ruột lắm. Những cây nhỏ thì chúng tôi còn dựng trồng lại được chứ cây lớn thì đành chịu nhìn nó chết khô dần”.
Theo chị Thúy, trung bình mỗi cây xoài cho thu hoạch 100 kg, giá thấp cũng được 5.000 đồng/ký. Tính ra, mỗi vụ, một cây xoài cho thu 500 ngàn đồng, chưa kể xoài ra trái vụ. Trong khi đó, từ đầu năm đến giờ voi rừng đã quật ngã hàng chục cây xoài 10 năm tuổi của vườn nhà chị. Ngoài 2 ha xoài 3 mùa, chị Thúy dẫn chúng tôi đi thăm 4ha xoài Thái và xoài Úc cách đó chừng 5km. Vườn xoài này mới trồng được 3 năm và cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tuy nhiên, dưới các gốc xoài là những hột xoài đã được voi ăn sạch sẽ. Cầm năm hạt xoài trên tay, chị Thúy nói: “Ông ăn khéo lắm, ăn sạch hết, chỉ chừa lại mỗi hạt không à. May là vườn xoài này còn thấp, vừa tầm hái của ông chứ không thì ông lại quật gốc lên”.
Bản thân gia đình chị Hoàng Thị Thúy năm nào cũng có nhiều cây trồng bị ông Bồ làm hư hại. Làm một phép tính đơn giản cũng thấy rõ, với hơn 10 cây xoài bị hư mỗi năm, chị Thúy bị thất thu hơn 5 triệu đồng (giá thấp nhất), đó là chưa kể công chăm sóc trong nhiều năm liền. Tuy vậy, đợt hỗ trợ mới đây nhất, chị Thúy chỉ nhận được hơn 2 triệu đồng. “Việc “ông bồ” phá hoại hoa màu là điều không ai mong muốn. Mức hỗ trợ thiệt hại lại bị giảm nên người dân chúng tôi không thể vui vẻ được. Trong khi đó, để nhận được khoản hỗ trợ này, chúng tôi cũng phải làm nhiều thủ tục. Bây giờ muốn đòi mức hỗ trợ cao hơn chắc cũng khó. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của người dân chúng tôi là tỉnh sớm thi công và hoàn thành hàng rào điện để ngăn không cho voi ra khu vực vườn rẫy của người dân nữa. Có như vậy chúng tôi mới yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống”, chị Thúy chia sẻ.
Mức hỗ trợ giảm sút
Ông Nguyễn Văn Cao tâm sự: Rẫy mía bạt ngàn của tôi vào mùa chưa kịp thu hoạch thì ông Bồ về phá 3-4 lần, thiệt hại không sao kể hết, tiền tôi vay ngân hàng để đầu tư cũng không trả được. Bây giờ, hỏi địa phương có hỗ trợ không thì cũng không biết bao giờ. Được biết, chỉ riêng xã Thanh Sơn, trong 2 năm: 2012-2013, có 4 lần đàn voi về và gần 100 hộ dân bị voi tàn phá hoa màu, nhà cửa. Nhiều hộ bị mất trắng mùa vụ sau những chuyến “viếng thăm” này. Hai hộ Tô Văn Tùng và Nguyễn Văn Cao bị đàn voi về phá tới 3–4 lần, thiệt hại gần 70.000m2 mía trồng năm thứ hai, phải mang nợ ngân hàng lên đến 64 triệu đồng. Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đã xảy ra nhiều vụ voi về tàn phá mùa màng ở các xã Tà Lài (huyện Tân Phú), Phú Lý, Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), Thanh Sơn, Gia Canh (huyện Định Quán)… Trong 5 năm: 2008 – 2013, UBND các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán phải chi hơn 12 tỷ đồng hỗ trợ thiệt hại cho dân trong vùng xung đột.
Theo ông Nguyễn Hữu Đạo (Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn, Đội phó Đội phản ứng nhanh về voi, Tổ trưởng Tổ voi Phú Lý), từ năm 2007 đến năm 2010, huyện Vĩnh Cửu tiến hành hỗ trợ 1 đợt với tổng số tiền hơn 1,2 tỉ đồng. Năm 2011 hỗ trợ tổng số tiền 2,8 tỉ đồng và năm cao nhất là 2012 với tổng số tiền 3,6 tỉ đồng. Đây là những năm mà mức hỗ trợ còn tương đối cao, chẳng hạn, mỗi ha mía bị thiệt hại do voi gây nên bà con có thể được hỗ trợ là 35 triệu đồng; mỗi cây xoài bị hư có thể được hỗ trợ 300 đến 400 ngàn đồng. Tuy nhiên, kể từ năm 2013, mức hỗ trợ này đã giảm xuống rất thấp. Theo đó, với mỗi ha mía bị thiệt hại, người dân được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng, mỗi cây xoài bị hư sẽ được hỗ trợ 30 ngàn (bằng với giá tiền mua cây giống). Chính vì vậy, năm 2013 mặc dù voi làm hư hại diện tích nông sản lớn (82 ha mía, 47 ha mì, 2 nhà tạm…) nhưng tổng số tiền người dân được hỗ trợ chỉ là 620 triệu đồng. Còn từ năm 2014 đến nay người dân chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Sống trong nỗi lo sợ
Theo tìm hiểu của PV, tình trạng voi về phá hoa màu của người dân vẫn diễn ra liên tục trong các tháng từ tháng 12 năm trước đến tháng 7 năm sau. Khi gặp voi, người dân chỉ biết tìm cách xua đuổi voi chứ không dám đối diện trực tiếp vì sợ bị tấn công. Trước đây, người dân xua voi bằng cách gõ xoong nồi nhưng cách này đã không còn tác dụng trong những năm gần đây do voi đã “lờn”. Người dân tiếp tục dùng lửa để xua đuổi, hoặc dùng khí đá đốt tạo nên tiếng nổ giống như pháo khiến voi sợ mà bỏ đi. Tuy nhiên, nhiều người dân thoát nạn trong gang tấc khi ông Bồ xuất hiện bất ngờ. Anh Nguyễn Văn Khang (ngụ ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý) cho biết, mới đây anh chạy xe máy đi làm rẫy thì voi bất ngờ đi ra giữa đường khiến anh Khang hoảng hốt quăng xe bỏ chạy. Do đông người chứng kiến khiến voi kích động quật ngã một cây lớn rồi tiến tới xe của anh Khang, dùng vòi nâng xe lên rồi quật xuống đất, dùng chân đá, đạp lên xe và ngồi lên xe.
Còn ông T. là nhân viên của Trung tâm nghiên cứu rừng và đất ngập nước TPHCM, hiện đang nghiên cứu khu rừng Lồ ô tại Khu bảo tồn, kể: “Cách đây vài tháng, khi đang làm việc trong rừng, tôi cùng các đồng nghiệp nghe tiếng người dân la lớn, cảnh báo có voi ngà lệch xuất hiện. Khi nghe nói voi đến, chúng tôi thật sự hoảng sợ, chỉ biết “bỏ của chạy lấy người”. Khi xuất hiện, voi lại chỗ những chiếc xe máy của chúng tôi rồi quật ngã, hất văng đồ ăn ra ngoài nhưng chỉ ngửi chứ không ăn. Voi đứng đó độ chừng 5 phút rồi bỏ đi”.
Theo một cán bộ kiểm lâm, có nhiều nguyên nhân khiến tần suất voi rừng ra vùng dân cư nhiều, một phần là do một “nhà” của voi dần bị thu hẹp bởi sự lấn chiếm đất rừng của con người. Ngoài ra, tình trạng nắng hạn kéo dài, các hồ, ao, suối quanh khu vực trạm đã cạn nước. Chính vì vậy, các loài thú lớn, đặc biệt là thú móng vuốt như: bò tót, voi, hươu… phải di chuyển đến khu vực gần nơi dân cư sinh sống để tìm kiếm nguồn thức ăn và nước uống. Đối với voi rừng, thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều ở khu vực Trạm Kiểm lâm Suối Kốp, trong đó chủ yếu là “ông” ngà lệch.
Để cảnh báo người dân, lực lượng kiểm lâm nhận định: Do “ông Bồ” thường xuất hiện vào ban đêm, khoảng từ 5 giờ chiều hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau nên người dân được lực lượng Kiểm lâm lưu ý bà con đi rẫy theo “phương châm” đi muộn về sớm, hạn chế thấp nhất khả năng đối mặt với “ông Bồ”, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. Trường hợp buổi tối nếu gặp “ông Bồ” thì tránh rọi đèn vào mắt “ông”. Vì như vậy khiến ông Bồ dễ “nổi nóng” và phản ứng tiêu cực.
(Còn tiếp)