ThienNhien.Net – Dự án bảo vệ người dân khỏi triều cường chưa thực hiện, 200 hộ dân An Nhơn Tây mỗi tháng bị triều cường ‘nhấn chìm’ trong 20 ngày, cuộc sống vô cùng khó khăn.
“Sống chung với triều cường…khổ quá mà”
Trong suốt gần 7 năm nay, gần 200 hộ dân xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi), hằng năm cứ đầu tháng 8 đến hết tháng 12 triều cường dâng gây ngập úng, khiến cuộc sống người dân tại khu vực này phải lao đao.
Thông tin mà nhóm PV báo điện tử Người Đưa Tin có được, dự án bờ bao dọc theo con sông Sài Gòn nhằm bảo vệ người dân tại các xã ở huyện Củ Chi tránh được triều cường, do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM làm chủ đầu tư đã được triển khai. Tất cả hộ dân ở các xã Phú Mỹ Hưng, An Phú đã nhận bồi thường từ lâu và được thi công đắp bao bờ dọc tuyến sông Sài Gòn chống ngập. Trong khi đó, xã An Nhơn Tây vẫn chưa giải quyết xong vấn đề bồi thường, để tiến hành thi công xây dựng bờ bao.
Triều cường dâng cao, gây ngập úng, nhân dân xã An Nhơn Tây rất bức xúc khi thấy việc bồi thường không triển khai đồng loạt ở các xã. Trong khi, các xã xung quanh đều được làm bờ bao chắn ngập, dẫn tới việc mỗi khi triều cường dâng, nước lại đổ dồn về xã An Nhơn Tây gây ra ngập úng toàn diện, một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cây trồng,vật nuôi và đời sống sinh hoạt của bà con.
Bởi vì, nguồn thu nhập chính các hộ dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Nhưng nạn ngập úng thời gian dài như vậy, khiến người dân gặp khó khăn trong việc trồng trọt và chăn nuôi, thiệt hại ước tính lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.
“Một tháng nước ngập đến 20 ngày, chúng tôi làm sao sống nổi, trồng cây cao su nước ngập như vầy sao mà có mủ, trồng cây ăn quả thì chết hết. Chăn nuôi môi trường ẩm ướt khiến gia súc gia cầm bị dịch bệnh nên phải ‘bán tống bán tháo’ để còn lấy lại vốn. Cuộc sống chúng tôi khổ quá mà, tình trạng này đã diễn ra gần 7 năm nhưng chưa một lần thấy chính quyền xuống kiểm tra hay thăm hỏi gì?”- Bà Nguyễn Thị Sương, ấp Chợ Cũ, xã An Nhơn Tây bức xúc nói.
Cùng chung số phận, anh Lê Hồng Khanh cũng cho hay: “Việc ngập úng ảnh hưởng nặng nề đến từng kinh tế hộ dân, ngày xưa đã khó khăn giờ càng thêm khốn cùng. Chúng tôi chỉ dựa vào nông nghiệp mà sống, nhưng ngập úng như vậy chúng tôi lấy đâu ra thu nhập. Cách đây 4 năm, tôi bỏ ra gần 2 tỷ đồng để đào ao thả cá và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi bò. Nhưng tình trạng ngập úng kéo dài khiến cá đi hết, hàng trăm con bò cũng phải bán gấp để lấy lại vốn. Từ khi đó mảnh đất gần 4ha của tôi cũng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, không chăn nuôi sản xuất được gì”.
Bên cạnh ảnh hưởng đến kinh tế, việc ngập úng còn ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân. Tình trạng ngập úng kéo dài khiến người dân xã An Nhơn Tây thiếu nước sạch để dùng. Muốn có nước sạch phải đến ở các xã không ngập lấy về sinh hoạt. Đồng thời, môi trường cũng đe dọa khi rắn độc, côn trùng vào nhà tấn công người dân rất nhiều, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người già và trẻ nhỏ.
Đã nhiều lần người dân đến trụ sở UBND huyện Củ Chi để chất vấn thì đại diện chính quyền huyện trả lời rằng, phải chờ thảo luận bồi thường giá, khi đó mới tiến hành xây dựng bờ bao chống ngập.
Ngoài ra, tại xã An Nhơn Tây còn tồn tại một vấn nạn đó là “cát tặc” ở sông Sài Gòn. Việc khai thác cát lậu gây nên sạt lở nghiêm trọng, lấn chiếm đất canh tác của người dân. Ông Cao Minh Thế (ấp Chợ Cũ, xã An Nhơn Tây) bức xúc nói: “ Bơm cát ven sông Sài Gòn là một vấn nạn từ lâu chưa có biện pháp nào để xử lý, ‘cát tặc’ bơm ngày bơm đêm, khi chung tôi có ý kiến thì bọn chúng đe dọa đánh”
Chính quyền địa phương… “chịu thua”
PV báo điện tử Người Đưa tin đến UBND xã An Nhơn Tây để trao đổi với chính quyền về những vấn đề bức xúc mà nhân dân xã phản ánh nhưng không gặp được vị lãnh đạo nào, với lý do là bận họp.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến UBND huyện Củ Chi để hỏi. Tiếp PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Cảm – Phó Phòng kinh tế huyện cho hay: “Dự án đắp bờ bao ven sông Sài Gòn tại huyện Củ Chi kéo dài 54km, từ Bình Mỹ đến Phú Mỹ Hưng. Hiện tại đã hoàn thành thi công giai đoạn 1 và đang nâng cấp giai đoạn 2 từ An Phú đến Phú Mỹ Hưng khoảng 10km. Riêng đoạn An Nhơn Tây chưa được thi công vì chưa thỏa thuận đền bù giữa người dân với chủ đầu tư là Sở NN&PTNT thành phố”.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, dự án nói trên khi nào được hoàn thiện? Ông Cảm trả lời rằng: “Vấn đề đó chỉ có chủ đầu tư mới biết, chứ đó không phải trách nhiệm của huyện. Huyện cũng thường xuyên kiến nghị lên thành phố để nhanh chóng hoàn thành dự án để bà con đỡ khổ”.
Liên quan đến vấn nạn “cát tặc”, ông Cảm cho biết thêm, vấn nạn này đã có từ rất lâu rồi, nhưng sông Sài Gòn có ranh giới giáp giữa tỉnh Bình Dương và TP.HCM. Tuy nhiên, tỉnh Bình Dương cho khai thác còn TP.HCM không cho khai thác nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Huyện cũng cho thành lập đội để kiểm tra, nhưng cũng bị đánh trả và gây chìm xuồng”.