ThienNhien.Net – Không đủ năng lực về nguồn nhân lực và tài chính, nhưng Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng có trụ sở ở xã Đông Ninh (Khoái Châu, Hưng Yên) vẫn được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Cục ĐTNĐ) chấp thuận cho phép cải tạo, xây dựng Cảng thủy nội địa. Đáng bàn hơn, doanh nghiệp còn vô tư nạo vét lòng sông Hồng, hút cát bán kiếm lời.
Thả ga hút cát
Theo người dân xã Đông Ninh phản ánh, từ năm 2015, doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng có trụ sở thôn Duyên Linh, xã Đông Ninh (Khoái Châu, Hưng Yên) đã lợi dụng việc đầu tư xây dựng Bến thủy nội địa để ồ ạt hút cát trái phép.
Được biết, ngày 28/5/2015, doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng được UBND tỉnh Hưng Yên cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện Dự án “Bến bốc xếp và kinh doanh vật liệu xây dựng Sáu Hằng” với diện tích 3.298m2 bờ tả sông Hồng thuộc địa bàn xã Đông Ninh.
Tiếp đó, ngày 29/10/2015, Sở GTVT Hưng Yên tiếp tục cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa cho doanh nghiệp này với chiều dài 306,3m, chiều rộng 30m.
Thế nhưng, qua kiểm tra, ngày 5/9/2016, Cảng vụ đường thủy Hưng Yên đã phát hiện doanh nghiệp Sáu Hằng đang tiến hành “thi công trong vùng nước không theo phương án đã được chấp thuận” và phạt doanh nghiệp này số tiền 7,5 triệu đồng.
Đặc biệt hơn, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2016, Cục ĐTNĐ, đã ra liên tiếp 3 văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng Cảng thủy nội địa cho doanh nghiệp Sáu Hằng.
Ngày 18/1/2016, Cục ĐTNĐ đã có Công văn số 108 chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp này xây dựng cảng thủy nội địa.
Đến ngày 1/2/2016, Cục ĐTNĐ lại tiếp tục có Công văn số 215 chấp thuận cho doanh nghiệp Sáu Hằng được thực hiện cải tạo trong phạm vi chiều dài dọc sông là 306,3 m; chiều rộng là 30 m tính từ mép ngoài cầu cảng dự kiến xây dựng trở ra sông.
Tiếp đó, ngày 5/7/2016, Cục ĐTNĐ tiếp tục có Công văn số 1413 chấp thuận lại chủ trương cho doanh nghiệp Sáu Hằng xây dựng cảng thủy nội địa. Lần này, chiều rộng được nâng lên thành 60 m tính từ mép ngoài cầu cảng dự kiến xây dựng trở ra sông.
Đáng chú ý, trong các văn bản chấp thuận của Cục ĐTNĐ đã đồng ý cho doanh nghiệp Sáu Hằng thực hiện việc cải tạo trong vòng 60 ngày, nhưng lại không ghi rõ thời gian bắt đầu và kết thúc, cũng như phương án cải tạo bến bãi như thế nào.
Lợi dụng điều này, doanh nghiệp ngang nhiên hút cát một cách công khai mà không sợ các cơ quan chức năng xử lý. Ngoài ra trong hồ sơ cấp phép cho doanh nghiệp Sáu Hằng lại không có đánh giá tác động môi trường, không có thiết kế, không tính toán được kế hoạch nạo vét nhưng không hiểu vì sao Cục ĐTNĐ vẫn cấp phép và cấp tới 3 lần. Vậy, việc làm này, có phải vô hình trung tạo điều kiện cho doanh nghiệp lách luật, khai thác cát lậu?
Cấp phép cho doanh nghiệp không đủ năng lực
Điều 8 trong Giấy chứng nhận đầu tư ngày 28/5/2015 của UBND tỉnh Hưng Yên ghi rõ: Dự án này, Chủ đầu tư chưa thực hiện đầu tư kết cấu cảng (cọc bê tông, bến bãi bê tông…) theo qui mô đăng ký. Tuy nhiên Cục ĐTNĐ đã cho phép nạo vét vùng nước…
Việc làm này là vô lý bởi vì bao giờ cũng phải đầu tư xây kết cấu bê tông xong mới nạo vét để tàu ra vào, khai thác.
Đặc biệt, tại đơn đề nghị ngày 28/1/2016 doanh nghiệp Sáu Hằng xin sử dụng vật liệu nạo vét để san lấp cải tạo mặt bằng …
Đây là hình thức nạo vét tận thu, phải áp dụng các qui định của Thông tư 69/2015 Bộ GTVT, theo đó, nhà đầu tư phải làm đầy đủ các thủ tục khác như đăng ký tận thu sản phẩm nạo vét, nộp thuế tài nguyên, ký quĩ, xin chủ trương của Bộ GTVT… Nhưng ở đây cũng không có và trong văn bản trả lời của Cục cũng không có đề cập gì đến các vấn đề này.
Bất ngờ hơn, sau khi đã nạo vét và tận thu được số lượng khổng lồ sản phẩm thì đến ngày 30/10/2016, doanh nghiệp Sáu Hằng có văn bản số 125 gửi Cục ĐTNT đề nghị tạm dừng Dự án đầu tư cải tạo xây dựng cảng thủy nội địa.
Lý do doanh nghiệp này đưa ra là doanh nghiệp chưa đủ nguồn nhân lực và tài chính để tiếp tục thực hiện Dự án. Sau này nếu có đủ nhân lực và khả năng tài chính sẽ tiếp tục thực hiện.
Vậy khi cấp phép cho doanh nghiệp Sáu Hằng thực hiện Dự án, và cấp phép tới 3 lần như vậy liệu Cục ĐTNĐ có biết về thực tế năng lực doanh nghiệp này hay không? Hay việc cấp phép xây dựng Cảng thủy nội địa chỉ là chiêu trò núp bóng Dự án để khai thác cát “trá hình”?