ThienNhien.Net – Theo Hiệp hội Nước quốc tế, lượng nước bình quân của Việt Nam hiện tại chỉ đạt 9.500m3/người/năm, thấp hơn các quốc gia có mức nước trung bình (khoảng 10.000m3). Nếu tính theo mức nước nội sinh thì Việt Nam chỉ đạt 4.000m3/người/năm. Làm thế nào để quản lý hiệu quả loại tài nguyên quý này đang là vấn đề được đặt ra.
Chịu ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu
Kết quả điều tra của Tổng cục Thủy lợi cho thấy, tổng lượng nước mặt đến lãnh thổ Việt Nam bình quân hằng năm khoảng 830-840 tỷ mét khối, trong đó có khoảng 310-315 tỷ mét khối là nước nội sinh. Tuy nhiên, nguồn nước của nước ta chịu nhiều thách thức do hệ sinh thái, đặc biệt là các vùng đất ngập nước đang bị thu hẹp để sản xuất nông nghiệp, phát triển đô thị; tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt, rừng có tác dụng điều tiết nước nhưng luôn đối diện nguy cơ tàn phá, xâm hại… trong khi hệ thống thủy lợi Việt Nam không còn đáp ứng yêu cầu phòng, chống lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn.
Cảnh báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Dự báo đến năm 2050, nước ta có khoảng 8,4 triệu người bị thiếu nước ngọt, hàng triệu héc ta đất bị ngập mặn sâu vào nội địa do nước biển dâng, 21-35% dân số khu vực nông thôn bị đói nghèo…
Theo PGS.TS Hà Lương Thuần, Viện trưởng Viện Hợp tác phát triển tài nguyên nước, BĐKH không chỉ tác động mạnh đến bảo đảm an ninh lương thực, nguồn nước mà còn ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Từ những thực tế trên, Việt Nam cần coi việc bảo đảm an ninh nguồn nước là mục tiêu để xây dựng các giải pháp ứng phó và thích ứng…
Thực tế, hệ thống thủy lợi của ta hiện nay có 6.648 hồ chứa, 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tiêu lớn, 234.000km kênh mương, 25.960km đê các loại, các công trình này xây dựng đã lâu, xuống cấp, sử dụng công nghệ lạc hậu không chỉ gây thất thoát, lãng phí nguồn nước mà đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư rất lớn mới đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp.
Đổi mới cơ chế quản lý vận hành
Thực tế, do nguồn ngân sách hạn hẹp nên cần thiết xã hội hóa công tác đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi. Đây cũng là giải pháp quan trọng để quản lý, bảo đảm an ninh, chống ô nhiễm nguồn nước. Nhưng muốn làm được việc này, cần phải thay đổi tư duy quản lý nguồn nước, coi nước là tài nguyên hữu hạn, là hàng hóa. Tuy nhiên, để quản lý nguồn nước bằng giá dịch vụ, hiện có nhiều bất cập về cơ sở pháp lý, trách nhiệm quản lý nhà nước trong triển khai thực hiện giá sản phẩm công ích dịch vụ thủy lợi… và cần sự tham gia tích cực của nhiều bộ, ngành.
Hiện nay, Chính phủ đã giao các cơ quan khoa học tập trung nghiên cứu mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng BĐKH bởi nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nhất của BĐKH, ảnh hưởng sinh kế của hàng chục triệu nông dân. Bộ NN&PTNT đang tập trung hoàn thiện dự án Luật Thủy lợi, trình Quốc hội thông qua, dự kiến có hiệu lực trong năm 2018. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, bảo vệ hệ thống thủy lợi Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu ứng phó, thích ứng BĐKH…
Một trong những nội dung quan trọng của Luật Thủy lợi đề cập đến đó là việc chuyển cơ chế quản lý vận hành từ bao cấp sang giá thị trường. Điều này khiến dư luận băn khoăn. Trả lời câu hỏi việc chuyển từ “phí thủy lợi” sang “giá dịch vụ thủy lợi” có làm tăng thêm chi phí của nông dân hay không, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: Việc này sẽ không làm tăng chi phí. Người nông dân sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn do quy được trách nhiệm của các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi với việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Nhà nước sẽ giảm chi phí quản lý, có thêm nguồn thu để hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh cũng như ứng phó BĐKH ở những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa… Tuy nhiên, khi thực hiện Luật Thủy lợi, người dân buộc phải có ý thức, trách nhiệm tiết kiệm trong việc sử dụng tài nguyên nước…