ThienNhien.Net – Dư lượng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và ô nhiễm vi sinh… có trong các sản phẩm nông sản xuất khẩu được cho là nguyên nhân chính khiến cho Việt Nam luôn dẫn đầu danh sách các vụ bị từ chối hàng nhập khẩu tại các thị trường lớn như: EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc.
Vụ 29 lô với 1700 tấn gạo có 8 hoạt chất vượt ngưỡng cho phép bị phía Mỹ phát hiện và trả về gần đây chỉ là bề nổi cho câu chuyện lớn hơn: Nông sản Việt đang phải bị trả giá đắt do từ lâu nay duy trì cung cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp, thiếu an toàn từ nhà sản xuất, nhà quản lý cho đến nhà xuất khẩu…
Hàng ngàn lô đã bị trả về
Khảo sát của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) đưa ra con số gây chú ý: trong giai đoạn từ 2002-2013, các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào EU bị từ chối thì Việt Nam đứng đầu danh sách.
Tương tự, tại thị trường Mỹ, Việt Nam cũng chỉ xếp vị trí thứ 2 trong những nước chiếm số lượng lớn các vụ bị từ chối nhập khẩu thủy sản vào thị trường này. Và có khoảng 30% các vụ từ chối hàng nhập khẩu của Nhật Bản đối với sản phẩm thủy sản được cho là đến từ Việt Nam.
Báo cáo cũng cho hay, lý do nông thủy sản, trái cây bị từ chối “nhập cảnh” vào các nước này là dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng và ô nhiễm vi sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và điều kiện kiểm soát vệ sinh.
Theo bà Hoàng Mai Vân Anh, thuộc Tổ chức UNIDO, khác với thủy sản, tỷ lệ từ chối các sản phẩm rau quả từ các thị trường này của Việt Nam tuy chiếm tỷ lệ ít hơn so với các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc nhưng những tổn thất kinh tế của các vụ từ chối lại rất lớn.
“Khảo sát của chúng tôi cho thấy, tính từ năm 2002-2013, 4 thị trường Úc, Mỹ, Nhật, EU đã từ chối 483 vụ các sản phẩm rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang các nước này với kim ngạch khoảng hơn 1 tỷ USD. Trong khi có 4292 vụ các sản phẩm thủy sản của Việt Nam bị từ chối tại những thị trường này với kim ngạch nhập khẩu là khoảng hơn 27 tỷ USD”- đại diện Tổ chức UNIDO xác nhận.
Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đánh giá những vụ việc hàng nông thủy sản, trái cây của Việt Nam bị đối tác tại các thị trường nhập khẩu trả về gần đây là hệ quả của việc liên tục sử dụng những hóa chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông thủy sản, thực phẩm; do quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm hoặc do nhiễm độc từ môi trường… Các vụ trả hàng về đang gây ảnh hưởng xấu đến kết quả chung của hoạt động xuất khẩu.
Phải giám sát ATTP theo chuỗi
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), Bộ NN&PTNT cho biết thêm: Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hiện nay đang gặp phải một số vướng mắc như: Nắm bắt quy định thị trường chưa tốt và đặc biệt thường xuyên vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) của thị trường xuất khẩu.
Ông Hòa “điểm danh” một số trường hợp nông sản Việt Nam thường hay bị “dính đòn” và bị từ chối nhập khẩu như: Dư lượng hóa chất kháng sinh cấm, dư lượng thuốc diệt ký sinh trùng, dư lượng hóa chất nông dược, dư lượng kim loại nặng, độc tố thủy sản, phụ gia chế biến thủy sản và thực phẩm, ô nhiễm vi sinh vật và điều kiện bảo quản (nhiệt độ bảo quản) và ghi nhãn mác.
“Ngoài việc nắm bắt quy định ATTP của thị trường nhập khẩu và quy định ghi nhãn mác sản phẩm thực phẩm, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nên lập kế hoạch tổ chức sản xuất – kiểm tra giám sát ATTP theo chuỗi thay vì chỉ kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng như hiện nay”- ông Hòa khuyến cáo.
Việc lập kế hoạch tổ chức sản xuất-kiểm tra giám sát ATTP theo chuỗi thay vì chỉ kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng theo đề xuất của ông Hòa có vẻ không dễ thực hiện. Bởi theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, đa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong ngành nông sản, thực phẩm của Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế rất lớn về quy mô vốn và công nghệ.
Phó Cục trưởng Lang đánh giá, số lượng doanh nghiệp trong ngành này chủ động tìm hiểu và có khả năng chuẩn bị cho hội nhập kinh tế chiếm tỷ lệ rất ít. Vì vậy, doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu hợp chuẩn khắt khe của các thị trường nhập khẩu cũng như các tiêu chuẩn để được ưu đãi từ Hiệp định thương mại chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Qua kết quả khảo sát, Tổ chức UNICO khuyến cáo, hoạt động của chuỗi cung cấp (an toàn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và tính nhất quán của nguồn cung) là những yếu tố quan trọng nhất đối với thị trường Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản khi họ lựa chọn nước cung cấp. Theo nghiên cứu của tổ chức này, cơ sở hạ tầng tuân thủ ATTP được các nước nói trên xếp hạng rất cao, vì thế, các nước như Việt Nam muốn mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng của mình trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trước thực trạng nông sản xuất khẩu bị trả về liên tục trong những năm gần đây, một trong những giải pháp thương mại cần phải thực hiện ngay là phải định hướng thị trường đối với sản phẩm nông sản và thực phẩm đặc thù của từng doanh nghiệp. Cần đào tạo kỹ năng quản lý và giám sát ATTP trong quá trình chế biến sản xuất. Đối với thị trường hay bị hàng trả về cần phải kiểm tra thật kỹ sản phẩm trước khi xuất khẩu để tránh ảnh hưởng chung đến uy tín sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.