Sử dụng hiệu quả nguồn nước

ThienNhien.Net – Ở Việt Nam, tài nguyên nước đặc biệt quan trọng khi tỷ lệ nước dùng cho sản xuất, canh tác vẫn chiếm 74-85% do nước ta cơ bản vẫn là nước nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước đang đứng trước nguy cơ khan hiếm đòi hỏi sự hợp tác, liên kết, đặc biệt ở các lưu vực sông để nâng cao hiệu quả trong sử dụng, phát triển bền vững.

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc, vấn đề quản lý tài nguyên nước được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà đã khẳng định, nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt trở thành vấn đề “nóng” cần quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đặc biệt khi Việt Nam có hơn 64% tài nguyên nước ở ngoài biên giới. “Mùa hạn hán chúng ta thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn. Mùa mưa thì nhiều vùng chìm trong lũ” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ.

Còn tại Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 mới được Bộ TN-MT công bố cũng khẳng định tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với sự phát triển bền vững. Cụ thể, tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hằng năm khoảng 80,6 tỷ mét khối, chiếm xấp xỉ 10% tổng lượng nước hiện có của cả nước. Nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhiều nhất ở 2 vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đồng bằng sông Hồng, chiếm tới 70% lượng nước sử dụng. Tuy nhiên, ở các khu vực ĐBSCL và Nam Bộ, dù hệ thống kênh rạch, sông suối nhiều nhưng… lại thiếu nước.

Lý do là khu vực này nằm ở phía hạ lưu sông Mê Kông, con sông chảy qua địa phận 6 quốc gia, bắt nguồn từ Trung Quốc, sau đó qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và cuối cùng là vào Việt Nam, kiến tạo ra vùng ĐBSCL phì nhiêu, sau đó đổ ra biển. Mê Kông là một trong những dòng sông có hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới, nguồn lợi thủy sản phong phú và có tiềm năng rất lớn về thủy điện, nhất là thượng nguồn được coi là “tấm pin” của khu vực này.

Tuy nhiên, hiện tại trên dòng sông này đã có hơn 10 công trình thủy điện hoàn thành, hơn 10 công trình khác đang xây và sắp xây ở các quốc gia phía thượng lưu. Vì vậy, các công trình này đã, đang và sẽ tác động lớn đến môi trường, dòng chảy của sông Mê Kông cũng như ĐBSCL.

Kênh-rạch ở ĐBSCL ngày càng cạn kiệt nước (Ảnh: Ngọc Trinh)
Kênh-rạch ở ĐBSCL ngày càng cạn kiệt nước (Ảnh: Ngọc Trinh)

Rõ ràng, tài nguyên nước đang ẩn chứa nhiều yếu tố kém bền vững. Theo các chuyên gia, với những thách thức như trên, việc định hướng và có những giải pháp thích hợp để quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước là rất cần thiết. TS Lương Quang Xô, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam nêu lên thực trạng rằng, hiện tại giữa sông Tiền và sông Hậu chưa có ban quản lý quy hoạch chung, quy hoạch được lập nhưng chưa có cơ quan quản lý chung. Hệ thống đê bao mỗi tỉnh làm theo quy hoạch riêng nên làm thay đổi dòng chảy gây nên tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn. Để giải quyết vấn đề này, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL cần liên kết để sử dụng nguồn tài nguyên nước.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước chung lưu vực nhằm chia sẻ hợp lý các nguồn nước lưu vực sông xuyên biên giới đã được thực hiện, thêm vào đó là việc nghiên cứu, xác lập kế hoạch thích ứng tối ưu với biến đổi khí hậu cho các vùng nhạy cảm như ĐBSCL, trong đó có những thay đổi rất cơ bản, phát triển kinh tế dựa theo 3 hướng: Hệ sinh thái nước mặn, nước lợ và nước ngọt…