Bỏ chăn nuôi nhỏ, chuyển sang chăn nuôi lớn gắn với xử lý chất thải

ThienNhien.Net – Ngày 8/9/2016, UBND TP.HCM đã ra Quyết định về việc phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, TP có chủ trương không tăng đàn bò sữa mà duy trì ở mức khoảng 100 ngàn con, để tập trung vào việc cải thiện chất lượng đàn bò sữa, tạo sự phát triển bền vững cho ngành hàng bò sữa. Một trong những nội dung quan trọng là giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, UBND TP đưa ra yêu cầu: Xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò sữa áp dụng đồng bộ về đầu tư trang thiết bị chăn nuôi; chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong chăn nuôi bò sữa theo hướng tập trung thúc đẩy phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp, sản xuất hàng hóa, kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tái sử dụng nguồn năng lượng từ chất thải (biogas).

Ảnh minh họa: vietnam.vnanet.vn
Ảnh minh họa: vietnam.vnanet.vn

Mục tiêu cụ thể của việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường là: Chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn, gắn với các giải pháp xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; cung cấp nguồn phân hữu cơ đã xử lý cho cây trồng và khai thác nguồn năng lượng từ biogas phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Trong định hướng phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2017 – 2020 gửi cho các hộ chăn nuôi bò sữa ở TP.HCM và các tỉnh khác (ngày 6/5/2016), Cty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng đặt ra yêu cầu cụ thể về môi trường với các hộ muốn ký hợp đồng tiêu thụ sữa với công ty. Cụ thể: Chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, đáp ứng cho yêu cầu sinh học của đàn bò, không gây ảnh hưởng tới người chăm sóc (sức khỏe, sự an toàn); phải có hệ thống xử lý chất thải, không gây ảnh hưởng đến môi trường, hố phân và nước thải được bố trí không gây ô nhiễm cho các khu vực xung quanh; chuồng cách xa khu ô nhiễm và hạn chế tối đa sự xuất hiện của ruồi nhặng, mùi hôi tại khu khai thác sữa.

Nguồn: