ThienNhien.Net – Trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Nghị quyết này với 95% số ĐBQH tán thành.
Nhằm phấn đấu đến năm 2020 cả nước có khoảng 50% số xã đạt chuẩn NTM, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nghiên cứu sửa đổi những tiêu chí chưa phù hợp của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2016-2020. Xây dựng các tiêu chí nâng cao để áp dụng cho các xã đã đạt chuẩn. Ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch không còn phù hợp; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản. Xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới. Riêng các địa phương tự cân đối ngân sách (trừ tỉnh Quảng Ngãi theo Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020) phải chủ động bố trí ngân sách địa phương để cơ bản xử lý dứt điểm số nợ đọng trước tháng 6 năm 2018.
Hai là, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân người đứng đầu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định, có hành vi tham nhũng, trục lợi trong thực hiện Chương trình.
Ba là, Quốc hội yêu cầu, triển khai Chương trình phải đặt mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, đổi mới cơ cấu sản xuất, gắn kết chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân khu vực nông thôn cả nước tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015. Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân nông thôn như giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, vệ sinh môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển; phấn đấu đến năm 2020 có 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; thúc đẩy và nhân rộng các mô hình liên doanh, liên kết có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Bốn là, về đất đai, Quốc hội đề nghị nghiên cứu sửa đổi chính sách để khuyến khích tích tụ ruộng đất, tiến hành cơ giới hóa, tạo điều kiện sản xuất hàng hóa lớn; có chính sách đột phá về KHCN để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ mạnh hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông thôn, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; tạo chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm; tăng sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Thực hiện hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 40%; nâng cao hiệu quả chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn.
Năm là, thực hiện phối hợp hiệu quả các nguồn vốn, ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm; gắn kết chặt chẽ giữa Chương trình MTQG xây dựng NTM với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu khác. Đồng thời, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách nhưng không làm tăng biên chế; tăng cường đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ cộng đồng thôn, bản làm công tác xây dựng nông thôn mới. Quốc hội giao Chính phủ và hệ thống chính quyền các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện.