ThienNhien.Net – Các nhà khoa học nhìn nhận việc quản lý lưu vực sông và bờ biển đang bộc lộ nhiều bất cập.
Ngày 24-11, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) thông qua Sáng kiến Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng tổ chức đối thoại bàn tròn cấp cao về “Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Đà Nẵng – Quảng Nam: Một cách tiếp cận “Từ đầu nguồn xuống biển”.
Tại buổi đối thoại, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội, cho biết lưu vực sông và vùng bờ biển là 2 hệ thống tự nhiên liên kết nhau về mặt không gian và có tầm quan trọng đặc biệt đối với tài nguyên nước cũng như các dạng tài nguyên thiết yếu khác đối với sự phát triển quốc gia và đời sống con người. Tuy nhiên, cách quản lý truyền thống, thiếu liên ngành, liên vùng đang đẩy các lưu vực và vùng bờ biển vào thế phát triển thiếu bền vững. Các thách thức về an ninh nước, môi trường, sinh thái và sinh kế của dân cư sống trong lưu vực, vùng ven biển và trên các đảo ven bờ bị đe dọa nghiêm trọng. Mâu thuẫn lợi ích và xung đột không gian trong hoạt động khai thác, sử dụng lưu vực và vùng bờ để phát triển kinh tế – xã hội của các ngành, lĩnh vực và người dân ngày càng gia tăng.
Đối với lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, ông Hồi nhìn nhận các hoạt động phát triển kinh tế cùng với cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước hiện chưa phù hợp, làm suy giảm chức năng và sự sống của lưu vực, trở ngại cho phát triển của Đà Nẵng và Quảng Nam trong tương lai nên cần tăng cường phối hợp để quản lý tổng hợp. Nếu thực hiện tốt, đây sẽ là mô hình cho các lưu vực sông khác ở nước ta.
Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thông qua đối thoại, Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ hoàn thiện dự thảo bản thỏa thuận phối hợp quản lý lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam – Đà Nẵng để ký thông qua. Thực tế, trong dự thảo thỏa thuận mà lãnh đạo 2 địa phương cơ bản thông qua đã chỉ rõ những bất cập. Trong đó, việc phát triển thủy điện với mật độ cao ở thượng nguồn, nạn phá rừng, khai thác sa khoáng là tác nhân tác động lớn đến môi trường và các hệ sinh thái trên toàn lưu vực.
Giải thích về phương thức quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển theo cách tiếp cận từ đầu nguồn xuống biển, nhóm tác giả Nguyễn Chu Hồi, Đào Trọng Tứ, Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết đây là phương thức quản lý không gian mới dựa trên cơ chế phối hợp liên vùng, liên ngành và quản trị theo không gian. Phương thức này nhấn mạnh 2 nguyên tắc then chốt là tính phụ thuộc lẫn nhau của hệ thống lưu vực sông và vùng bờ biển, cùng với đó là tính lồng ghép về thể chế và cơ chế chính sách trong quản lý.
Ông Thanh cho biết sau khi thỏa thuận giữa 2 địa phương được thông qua, một ban điều hành sẽ được thành lập để tham mưu, giúp cho địa phương hoạch định, điều chỉnh chiến lược, chính sách, kế hoạch đầu tư phát triển ở lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ biển của 2 địa phương. Tất cả các dự án ảnh hưởng đến lưu vực sông đều phải được thảo luận, xem xét kỹ lưỡng trước khi thông qua. Đối với dự án đã và đang triển khai thì chỉ có thể điều chỉnh cho phù hợp.
Hướng tới phát triển bền vững
TS Vũ Thanh Ca – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và Khoa học công nghệ Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Trưởng Ban Điều phối quốc gia Chương trình MFF Việt Nam – tin rằng với những kinh nghiệm phối hợp quản lý lưu vực đã có ở Việt Nam và học được từ cơ chế điều phối, hợp tác liên vùng, liên quốc gia trên thế giới và trong khu vực, bản thỏa thuận phối hợp sẽ giúp tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng phối hợp quản lý tốt hơn lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam – Đà Nẵng để phát triển bền vững trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả nhất những nguồn tài nguyên sẵn có. |