ThienNhien.Net – Ngày 23/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22); công bố Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, COP 22 là Hội nghị đầu tiên của các Bên tham gia Công ước kể từ khi Thỏa thuận Paris lịch sử được thông qua tại Hội nghị COP 21 năm 2015. Với ý nghĩa đó, Hội nghị COP22 được coi là Hội nghị hành động nhằm triển khai thực hiện những nội dung các Bên đã thống nhất cách đây 1 năm tại Paris.
Gần 26.000 đại biểu từ 195 quốc gia, trong đó, có 70 nguyên thủ đã đến tham dự.
Sau gần 2 tuần làm việc, các bên đã thông qua 35 Quyết định, gồm 25 Quyết định của Hội nghị COP, 8 Quyết định của Hội nghị các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto và 2 Quyết định của Hội nghị các Bên tham gia Thỏa thuận Paris. Liên quan đến triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris có 1 Quyết định của Hội nghị COP22 và 2 Quyết định của Hội nghị lần thứ nhất các Bên tham gia Thỏa thuận Paris.
Tại Hội nghị lần này, các bên đã thông qua “Tuyên bố Hành động Marakes” nhằm kêu gọi thống nhất hành động trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó trưởng Ban Công tác đàm phán, tuyên bố Hành động Marakes nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ các cam kết trong Thỏa thuận Paris và khẳng định xu thế ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu rất mạnh mẽ, không thể đảo ngược. Đồng thời kêu gọi các Bên cùng hành động tăng mức cam kết giảm phát thải, tăng vốn, tăng tiếp cận tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực cho ứng phó biến đổi khí hậu.
Tuyên bố này tái khẳng định mục tiêu 100 tỷ USD/năm từ các nước phát triển, kêu gọi xóa đói nghèo, an ninh lương thực và chuyển đổi nền kinh tế phát triển bền vững.
Đến nay đã có 112 bên phê chuẩn Thỏa thuận Paris, vượt xa mức khung số lượng các nước phê chuẩn để Thỏa thuận chính thức có hiệu lực. Đây là thành công ngoài mong đợi của Hội nghị COP 22.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, thành công lớn nhất của Đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị COP22 là tiếp tục cùng với các bên thảo luận những vấn đề liên quan đến triển khai thực hiện thỏa thuận Paris, Công ước và Nghị định thư Kyoto. Đồng thời, cập nhật thông tin về nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Công ước, Nghị định thư Kyoto, đặc biệt là thỏa thuận Paris, từ đó, tăng cường hợp tác, đối tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu, theo tinh thần của thỏa thuận Paris.
Tại Hội thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức công bố Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của Việt Nam. Kế hoạch gồm 5 trụ cột chính: Giảm nhẹ, Thích ứng, Minh bạch, Tài chính khí hậu và Quản lý Nhà nước.
Kế hoạch thực hiện trong 2 giai đoạn từ 2016-2020 và 2021-2030; đề ra 68 nhiệm vụ bắt buộc thực hiện, chia thành 3 mức độ ưu tiên. Đó là ưu tiên tiếp tục thực hiện theo các chiến lược, chương trình, kế hoạch; khuyến khích thực hiện để tận dụng cơ hội do Thỏa thuận Paris mang lại.
Về trụ cột giảm phát thải, giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, quy định lộ trình Việt Nam tham gia giảm phát thải toàn cầu, phát triển thị trường các-bon trong nước và các cơ chế hợp tác khác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính…
Từ năm 2021, sẽ đẩy mạnh các hoạt động giảm nhẹ phát thải ở hầu khắp các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất.
Để ứng phó với những tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu, các nhiệm vụ thích ứng của Việt Nam được lồng ghép vào quá trình chuẩn bị thực hiện Thỏa thuận Paris với 3 nhóm nhiệm vụ tăng cường chủ động thích ứng với thiên tai và giám sát khí hậu; đảm bảo an sinh xã hội; ứng phó với nước biển dâng và ngập lụt đô thị.
Kế hoạch thích ứng quốc gia của Việt Nam (NAP) dự kiến hoàn thành trong năm 2019. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ này cũng được lồng ghép trong thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Hệ thống MRV trong thích ứng sẽ sớm hình thành trong năm 2018, đáp ứng yêu cầu đánh giá tiến độ đạt được các mục tiêu INDC trong giai đoạn trước và sau 2020.
Với nhóm nhiệm vụ về chính sách, trước năm 2020, các Bộ, ngành, địa phương phải rà soát đánh giá được những vấn đề còn tồn tại, các cơ hội, thách thức trong thực hiện các nhiệm vụ từ năm 2021 trở đi.
Năm 2017 là mốc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bảo đảm mỗi Bộ, ngành, địa phương đều có đầu mối xử lý các vấn đề biến đổi khí hậu.