Tạm dừng TPP: Có thời gian cơ cấu lại và đi vào sản xuất lớn

ThienNhien.Net – Chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc tạm dừng TPP sẽ trở thành cơ hội tốt để cơ cấu lại và đi vào sản xuất lớn.

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vừa tuyên bố sẽ ban hành sắc lệnh hành pháp về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Việc tạm dừng TPP cho Việt Nam thêm thời gian cơ cấu lại và đi vào sản xuất lớn (Ảnh minh họa)
Việc tạm dừng TPP cho Việt Nam thêm thời gian cơ cấu lại và đi vào sản xuất lớn (Ảnh minh họa)

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) nhận định, động thái này của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump không đáng quan ngại. Việt Nam lại có thêm thời gian để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước.

Chậm nhưng lại có lợi

Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, vào TPP có lợi thế nhưng có ngành cũng bất lợi ví dụ ngành nông nghiệp. Nếu chậm vào TPP, ngành nông nghiệp có thời gian cơ cấu lại, và chuyển dịch theo hướng sản xuất lớn chuyên nghiệp.

Ông Ngân cho biết: “Quốc hội đang bàn về việc cơ cấu lại nền nông nghiệp rất sâu, như vậy chúng ta có cả nghị quyết cơ cấu lại nông nghiệp gắn với nông thôn mới”. Bài toán chậm nhưng lại có lợi cho ngành nông nghiệp, chỉ ảnh hưởng một phần đến ngành dệt may.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

Đại biểu đoàn TP HCM đánh giá, hiện ngành dệt may đang hướng tới đa thị trường, đặc biệt thị trường châu Âu và ngay cả những hiệp định Việt Nam đã ký kết cũng sẽ hỗ trợ cho phát triển thị trường.

Theo nhận định của ông Ngân, trong khó khăn luôn có những cơ hội. Việc tạm dừng TPP là điều kiện để Việt Nam đưa quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đi đúng hướng, góp phần nâng cao năng lực và thể hiện tính tự chủ.

Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết của Trung ương cũng đều bàn đến vấn đề thị trường trong nước bởi 92 triệu dân là thị trường rất màu mỡ mà nhiều quốc gia mong muốn, ông Ngân lưu ý.

Chuyên gia kinh tế này nêu vấn đề: Tại sao các “đại gia” bán lẻ thế giới luôn muốn nhảy vào thị trường Việt Nam? Tại sao mình cứ hướng xuất khẩu ra nước ngoài, mà lại không đưa hàng hóa ngoài bắc vào các tỉnh phía nam? “Tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt”, ông Ngân nhấn mạnh.

Hướng vào thị trường trong nước

Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân nêu thực tế: Dù chưa có TPP, Việt Nam vẫn có quan hệ thương mại, hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ, chiếm trên 20% trong số hàng hóa vào thị trường này.

Ông Trump là một nhà kinh tế, một nhà kinh doanh, nếu thấy tạm dừng TPP bất lợi thì ông ấy lại bắt đầu xúc tiến TPP. Hiện 11 nước còn lại đang xúc tiến dần lên, nếu biết đó là lợi thế của quốc gia thì ông Trump sẽ suy nghĩ lại, đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích.

Theo phán đoán của ông Ngân, chỉ là tạm dừng TPP vì ông Trump đang quan tâm đến tỷ lệ thất nghiệp của người dân Mỹ. Nhưng thời gian gần đây tỷ lệ thất nghiêp ở Mỹ giảm xuống, chính vì thế mới có dự báo sẽ tăng lãi suất, nên mới ảnh hưởng tới tỷ giá hiện nay.

Việt Nam không chỉ ký TPP mà còn ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Liên minh kinh tế Á Âu – thị trường mà Việt Nam có quan hệ tốt, ông Ngân nhận định.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế này, ngay cả cộng đồng kinh tế ASEAN Việt Nam vẫn chưa khai thác hết. Lơi thế TPP lớn nhất là ngành may mặc, nhưng ngày này của Việt Nam lại chủ yếu là gia công. Khi TPP tạm dừng cũng có nghĩa là cơ hội để ngành may mặc chủ động được nguồn nguyên liệu, như trồng sợi để phục vụ ngành may mặc. Việt Nam có thời gian để cơ cấu lại nền nông nghiệp, dệt may, hướng vào thị trường trong nước.

Nguồn: